Mạo hiểm nuôi dúi
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng vào năm 2010, thay vì kiếm một công việc văn phòng như bao người, chị Nguyễn Thị Phượng (28 tuổi, ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) lại trở về quê để đầu tư chuồng trại nuôi dúi. Thông qua internet, chị tìm hiểu các kỹ thuật nuôi và quyết định mua 1 cặp dúi về thử nghiệm. Chỉ trong vòng 8 tháng, 2 con dúi cái đã sinh được 6 con. Chị tiếp tục đầu tư xây chuồng trại quy mô lớn, mua thêm giống về để đẩy mạnh phát triển số lượng đàn. Đến nay, số lượng dúi tại chuồng của chị luôn duy trì ở mức hơn 100 con. “Điều kiện thuận lợi nhất để mình nuôi động vật hoang dã thành công chính là môi trường rừng núi ở xã Tam Lãnh. Khí hậu phù hợp và thức ăn chỉ là cây, lá rừng nên quá trình nuôi dúi không gặp bất kỳ khó khăn nào, kể cả dịch bệnh cũng chưa từng xảy ra” - chị Phượng nói.
Chị Phượng giới thiệu loài dúi giống có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Ảnh: P.V |
Tuy vậy, chị lại gặp khó khăn ở vấn đề đầu ra cho dúi thương phẩm. Vì đây là một loại đặc sản đắt tiền nên nhu cầu tiêu thụ cũng hết sức hạn hẹp. Năm 2011, chị phải vào tận TP.Hồ Chí Minh, tìm đến những nhà hàng hạng sang tại đây để quảng bá và đặt vấn đề với họ. Ban đầu, chị chỉ nhận được những cái “lắc đầu”, nhưng sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, các nhà hàng đã đồng ý nhập với số lượng ít. Nhiều thực khách từ giai đoạn làm quen đã chuyển dần sang thích loại thức ăn “lạ miệng” này. Đến nay, đầu ra đã thực sự ổn định, cơ sở chăn nuôi của chị Phượng là địa chỉ uy tín cho nhiều nhà hàng lớn nhỏ tại miền Nam. Chị Phượng còn tạo được một hệ thống liên kết gồm 30 hộ chăn nuôi dúi cho mình nằm ở khắp các địa phương từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Một ký thịt dúi thương phẩm có giá 450 nghìn đồng, xoay vòng số lượng dúi tại chuồng, trung bình mỗi tháng chị thu nhập được khoảng 15 triệu đồng, các chi nhánh chăn nuôi cho chị cũng thu lãi ở mức tương tự. Không dừng lại ở đó, thời gian vừa qua, chị đã thử nghiệm thành công mô hình chăn nuôi nhím.
Thu lợi từ heo rừng
Năm 2008, anh Phan Như Phi (48 tuổi, ở thôn 7, xã Tam Lãnh) sau khi được sự động viên và tư vấn kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Phú Ninh, đã bắt tay vào việc chăn nuôi heo rừng. Từ trang trại có sẵn trong rừng, anh Phi mua 8 con heo giống về nuôi theo phương pháp thả rông. Sau 27 tháng, đàn heo rừng của anh nhân lên được 120 con. Xuất bán lứa đầu tiên gồm 70 con được 192 triệu đồng, sau khi trừ giống và công nuôi, anh lãi hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng cuối năm 2010, đợt dịch tụ huyết trùng cấp tính đã làm chết 43 con heo trong đàn. Anh Phi kể: “Tại lúc đó mình cũng chủ quan, nghĩ rằng giống heo rừng này có sức đề kháng cao nên mình không quan tâm đến việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Kể cả việc lập hàng rào cũng rất thô sơ, không có sự ngăn cách nhất định nên heo dễ bị nhiễm bệnh”.
Sau sự cố đó, anh Phi quyết tâm gây dựng lại đàn heo, đầu tư xây chuồng trại kiên cố, tiếp thu các khoa học kỹ thuật phòng, chữa bệnh trong chăn nuôi. Lúc cao điểm, số lượng heo tại chuồng của anh lên đến hơn 100 con. Thu nhập từ việc chăn nuôi heo rừng của anh Phi khá cao, trung bình hơn 150 triệu/năm. Hiện tại anh tư vấn cho nhiều người dân trong vùng áp dụng mô hình này. “Từ đầu năm 2016 đến nay, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm rộ lên khắp nơi. Vì vậy, thực phẩm rừng chiếm ưu thế. Hiện tại, chúng tôi không lo về vấn đề đầu ra, nhưng vẫn không thể mở rộng quy mô chăn nuôi vì nguồn vốn đầu tư của mỗi hộ còn khá hạn hẹp” - anh Phi chia sẻ.
Theo thông tin từ UBND xã Tam Lãnh, trên địa bàn có gần 10 hộ chăn nuôi thú rừng theo kiểu tự phát, tập trung ở các loại như dúi, nhím, chồn hương, heo rừng. Thời tiết khí hậu tại địa phương chính là điều kiện thuận lợi cơ bản để mô hình này phát triển. Với thu nhập trung bình khoảng hơn 150 triệu/năm, nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí là làm giàu nhờ chăn nuôi thú rừng. “Mô hình thí điểm về chăn nuôi thú rừng do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Phú Ninh phát động đã thực sự cho thấy hiệu quả. Sắp tới, sẽ quy hoạch các hộ chăn nuôi này lại để thành lập “Tổ hợp tác chăn nuôi thú rừng Tam Lãnh”. Đây sẽ là nơi để các hộ chia sẻ kinh nghiệm với nhau và đặc biệt là hướng tới xây dựng một thương hiệu để ổn định chắc chắn đầu ra, tìm đến những hợp đồng lớn hơn” - ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết.
PHAN VINH
Nguồn: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã