Thời điểm này, hơn 2 sào su hào của gia đình ông Nguyễn Thọ Thống (Thạch Liên - Thạch Hà) đã phát triển tốt.
Trong khi vụ đông ở nhiều nơi chưa được triển khai sản xuất do điều kiện thời tiết bất lợi, thì gia đình ông Bùi Đình Khôi (thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn, Thạch Hà) đang “hái ra tiền” hàng ngày từ hơn 1 sào cà và đậu bắp. Ông Khôi cho biết, tuy gia đình chỉ còn 2 vợ chồng ở nhà nhưng vẫn duy trì sản xuất hơn 2 sào rau, củ, quả ở cả vùng sản xuất tập trung và trong vườn nhà.
“Hiện tại, thời tiết thất thường nên tôi chưa xuống giống đại trà các loại giống mà lựa chọn sản xuất cà và đậu bắp có khả năng kháng chịu khá với điều kiện mưa nhiều, đồng thời, tiến hành các biện pháp kỹ thuật thâm canh phù hợp. Vì vậy, các loại cây này phát triển rất tốt. Mỗi ngày, bình quân gia đình thu nhập trên 500 ngàn đồng. Do sản phẩm trên thị trường chưa nhiều nên bán rất dễ dàng, lại được giá” - ông Khôi chia sẻ.
Những năm qua, từ trăn trở làm sao để sống được và làm giàu từ sản xuất cây màu vụ đông trong điều kiện khí hậu, thời tiết không thuận lợi, ông Nguyễn Thọ Thống (thôn Thọ, xã Thạch Liên, Thạch Hà) đã tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và thử nghiệm ngay trên chính diện tích đất trồng của mình qua từng vụ sản xuất.
Với trên 6 sào đất sản xuất vụ đông, ông Thống chủ yếu thâm canh các loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao như: Su hào, cải bắp, súp lơ… Bình quân thu nhập trên 12 triệu đồng/sào. Đến thời điểm này, gia đình ông đã xuống giống được gần 5 sào. Bên cạnh sản xuất thương phẩm, gia đình ông Thống cũng là một địa chỉ tin cậy của bà con ở nhiều địa phương có nhu cầu về các loại giống rau, củ, quả.
Ông Nguyễn Thọ Thống khẳng định: “Mặc dù thời tiết không ủng hộ, tuy nhiên, làm giàu từ vụ đông là điều có thể. Nếu có đủ đam mê, đồng thời biết cách chế ngự, né tránh thiên tai, chủ động được nguồn giống và lựa chọn được những loại giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế thì sẽ cơ bản giải quyết được nỗi lo về thiên tai và có thu nhập cao”.
Nông dân Hà Tĩnh vẫn có thể làm giàu trong sản xuất vụ đông
Tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh cũng có nhiều người dân mạnh dạn gắn bó và làm giàu từ vụ đông trong điều kiện vùng tiểu khí hậu khắc nghiệt. Ông Lê Viết Hừng (thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm) là một điển hình. Để sản xuất được gần 3 sào đất vụ đông của gia đình, ông Hừng phải đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nhà lưới. Có được hệ thống nhà lưới, việc sản xuất các loại rau, củ, quả gần như không phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thời tiết. Cùng với việc lựa chọn gieo trồng các loại giống rau màu phù hợp, hàng ngày, gia đình có thể thu trên 1 triệu đồng tiền bán rau; đặc biệt là giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động trên địa bàn.
“Chi phí đầu tư sản xuất rau, củ, quả rất cao, nhưng do thời tiết không thuận lợi, ít người đầu tư làm nên sản phẩm làm ra bán rất dễ, lại được giá. Hiện tại, lượng sản phẩm làm ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Sắp tới, tôi dự định mở rộng diện tích để nâng cao lượng rau, củ, quả cung ứng cho thị trường” - ông Hừng cho hay.
Theo Vũ Dũng/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã