Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình trồng bắp làm thức ăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” do Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng chủ trì thực hiện tại 04 điểm thuộc các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng.
Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, cây bắp được xem là một trong những cây lương thực quan trọng, ngoài nhu cầu thực phẩm cho con người, bắp còn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc. Hiện nay, diện tích trồng bắp ở nước ta ngày càng được mở rộng do có sự chuyển dịch cây trồng từ lúa sang bắp ở một số vùng. Một số nghiên cứu cho thấy, sau khi thu hoạch trái, thân cây bắp vẫn còn nhiều dưỡng chất với 9% protein và giá trị năng lượng khoảng 1.976 kcal/kg vật chất khô. Giá trị dinh dưỡng của thân bắp có thể so sánh được với hầu hết những loại thức ăn thô thông dụng khác. Vì vậy, mục đích của mô hình là sử dụng thân, lá, trái của các loại bắp ủ chua làm nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi bò sữa, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người chăn nuôi.
Là một trong số hộ được chọn tham gia thực hiện mô hình, ông Nguyễn Minh Thanh ở ấp Châu Thành, xã An Ninh (Châu Thành), cho biết: “Với diện tích 2.000 m2 trồng thử nghiệm 5 giống bắp để làm thức ăn cho bò sữa gồm bắp nếp ăn (Milky 36), bắp rau (Hương Nông), bắp rau (B468, giống Thái Lan), bắp lai (Dekaph 9901) và bắp sinh khối (MX6). Kết quả cho thấy bắp rau đạt hiệu quả cao hơn so với các loại bắp khác, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển sản xuất. Vì vậy, hiện nay tôi đang duy trì và nhân rộng diện tích trồng bắp rau lên 7.000 m2 để cung cấp thức ăn cho 9 con bò sữa và 4 con bò thịt”.
Ông Thạch An ở khóm 6, phường 9, TP. Sóc Trăng, cho biết: “Sau khi trồng thử nghiệm các loại giống bắp, tôi thấy giống bắp rau B468 phát triển mạnh hơn các giống khác, ít sâu bệnh, chịu được độ mặn dưới 2‰; ngoài ra, trái bắp non có thể bán tới giá 25.000 đồng/kg. Như vụ vừa rồi, vì lần đầu tiên trồng thử nghiệm nên chưa có kinh nghiệm và một phần nữa do trồng ngay đợt hạn, mặn nên cây bắp cho trái năng suất đạt 95kg/500 m2. Tính ra, áp dụng mô hình này vừa có thêm thu nhập cho gia đình mà vừa đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng cho bò sữa”.
Ông An cho biết thêm, cách ủ chua rất đơn giản, ai cũng có thể làm được và không tiêu tốn nhiều tiền, chỉ cần nguyên liệu như: men ủ chua, muối hột, đường và thân, lá bắp cắt từ 3 – 5 cm, cho vào túi nylon nén kỹ, bọc kín yếm khí; sau 15 ngày là có thể sử dụng cho bò ăn.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Sau khi thu hoạch các loại bắp, tiến hành ủ chua bắp làm thức ăn cho bò sữa để theo dõi khả năng cho sữa của bò. Đối với bắp nếp ăn, bắp rau và bắp lai sử dụng thân, lá, trái ủ chua; bắp sinh khối sử dụng toàn bộ thân, lá, trái đem ủ chua. Thân bắp được cắt nhỏ, kết hợp với các nguyên vật liệu như đường cát, múi, và men ủ chua sau đó tiến hành ủ chua trong túi nylon để sử dụng làm thức ăn cho bò sữa hàng ngày. Thực tế cho thấy khi bổ sung thức ăn ủ chua cho bò sữa với liều lượng 5 kg/ngày/con sẽ làm gia tăng 1,3 kg sữa/ngày/con, lợi nhuận tăng thêm 6.800 đồng/con từ lượng sữa thu được. Bên cạnh đó, thể trạng bò sữa cũng tốt hơn, bò khỏe mạnh, lông bóng mượt hơn so với trước khi ăn thức ăn ủ chua. Thức ăn ủ chua có thể dự trữ được trong thời gian dài (2 – 4 tháng) để sử dụng cho mùa khô khi nguồn thức ăn xanh khan hiếm, đặc biệt là lúc hạn hán, mặn xâm nhập sâu thì đây được xem là giải pháp khả thi cho nghề chăn nuôi bò sữa của tỉnh”.
Ở Sóc Trăng, bò sữa được phát triển chăn nuôi từ năm 2004 với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Dự án Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng của Chính phủ Canada. Thực hiện Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 10/01/2014 của UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu tăng nhanh đàn bò sữa tại Sóc Trăng đạt 17.800 con, diện tích đồng cỏ phải đạt 1.200 ha, sản lượng sữa tươi đạt 23.000 kg/năm vào năm 2020, đồng thời xác định bò sữa là vật nuôi chủ lực của tỉnh theo hướng đầu tư phát triển, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Vì vậy, việc thực hiện mô hình này giúp giải quyết vấn đề thức ăn thô xanh cho chăn nuôi bò sữa và cả cho bò thịt; trồng bắp làm thức ăn cho gia súc còn giúp cho người chăn nuôi có thể chủ động nguồn thức ăn dự phòng. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi mà còn mang lại những hiệu quả xã hội thiết thực như góp phần bảo vệ môi trường từ việc tận dụng những phụ phẩm của cây bắp, tạo đời sống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để việc trồng bắp có thể phát triển ổn định, ngoài công tác xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, cần có chính sách khuyến khích bà con nông dân phát triển trồng cây bắp, như phải có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thực hiện ký kết hợp đồng thu mua (đầu ra cho cây bắp), có chính sách hỗ trợ cho tạm ứng vốn, giống bắp, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm để bà con nông dân yên tâm phát triển sản xuất. Chỉ có như vậy việc trồng cây bắp làm thức ăn cho bò sữa mới thực sự phát triển đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, giúp chăn nuôi bò sữa ở tỉnh ta ngày càng phát triển một cách bền vững.
Nguyễn Thanh Hải
Nguồn: khuyennongvn.gov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã