Thời gian qua, nghề chăn nuôi bò được khuyến khích phát triển tại địa phương bởi góp phần giải quyết việc làm và thu nhập đối với nông hộ nhất là địa bàn khó khăn như: ven biển Gò Công, Khu vực nội đồng Dự án ngọt hóa Gò Công, huyện cù lao Tân Phú Đông…
Nông dân thường chăn nuôi bò lồng ghép trong các mô hình: VAC (vườn – ao – chuồng), RAC (ruộng – ao – chuồng) hoặc trong các mô hình kinh tế tổng hợp…
Cách làm này nâng hiệu quả kinh tế trong điều kiện đất hẹp, người đông, biến đổi khí hậu…
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây có 3 ha đất trồng lúa, 0,3 ha đất rẫy đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp gồm: trồng lúa năng suất cao kết hợp trồng rau màu, làm chuồng trại chăn nuôi bò nái và kinh doanh thương mại và đã trở thành triệu phú nông thôn.
Thời gian cao điểm, trong chuồng nuôi 5 con bò nái sinh sản. Trung bình mỗi năm, bà Hạnh thu lãi ròng từ mô hình kinh tế tổng hợp trên lên đến gần 500 triệu đồng; trong đó, riêng nguồn lợi từ nuôi bò sinh sản đạt trên 100 triệu đồng.
Tương tự, ông Bùi Văn Hòn, ấp Bờ Kênh, xã Tân Đông, huyện Gỏ Công Đông là nông dân đầu tiên đưa nghề chăn nuôi bò về miền đất nhiễm mặn đầy khó khăn của Tân Đông – một xã nằm trong Khu vực Duyên hải Gò Công.
Gia đình đông con với hơn chục miệng ăn nhưng chỉ có 1 ha đất trồng lúa.
Để tạo đột phá, ông đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Thời gian cao điểm, chuồng nhà ông nuôi 13 con gồm 5 bò sinh sản còn lại bò thịt và bê con.
Theo ông Bùi Văn Hòn, bò dễ nuôi và chăm sóc, chi phí thấp, hiệu quả lớn. Nhờ nuôi bò, gia đình ông có của ăn, của để; trở thành triệu phú nông thôn.
Ông là điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của tỉnh Tiền Giang, từng nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Mô hình chăn nuôi bò của ông có sức lan tỏa mạnh ở huyện ven biển Gò Công Đông.
Ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, địa phương hiện có tổng đàn bò 6.315 con.
Tại huyện Cù lao Tân Phú Đông, được sự hỗ trợ của Tổ chức Heifer Việt Nam, địa phương triển khai Dự án hỗ trợ sinh kế đối với nông hộ nghèo qua việc giúp vốn mở mang nghề chăn nuôi bò giảm nghèo nông thôn.
Theo ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiêm Giám đốc dự án, qua 4 năm triển khai (2013 – 2017), dự án đã chuyển giao trên 1.100 con bò, giúp Tân Phú Đông nâng tổng đàn bò lên 2.532 con, góp phần quan trọng trong chương trình giảm nghèo nông thôn tại địa phương./.
Minh Trí/TTXVN
Nguồn: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã