Lấy ngắn nuôi dài…
Về xã Hành Minh, hỏi nông dân Ngô Hữu Chánh ai cũng biết, bởi ông không những cần cù, chịu khó mà còn là gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Chánh cho biết: Xã Hành Minh quê ông là một vùng “đất cằn”, nhiễm phèn nặng nên trồng lúa và hoa màu năng suất không cao, nhiều nông dân phải rời quê vào miền Nam sinh sống. Riêng ông luôn suy nghĩ phải làm cách nào để “bám đất” và làm giàu trên chính nơi mình sinh ra.
Với quyết tâm của mình, ông Chánh đã tìm cách chuyển đổi cây trồng phù hợp để có thu nhập cao và ổn định hơn. Năm 2001, ông bắt đầu thực hiện mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Bước đầu ông Chánh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với diện tích 2.000 m2 và đào ao thả cá trên diện tích 3.000 m2…Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông tận dụng mặt nước hồ để thả nuôi vịt đẻ trứng, còn đất vườn ông trồng các loại cây ăn trái như bưởi, nhãn, mít, cam và cây lâu năm như cau. Dưới tán cây, ông thả gà, ngan, ngỗng,...
Đất không phụ người
“Hiện tại, trang trại của tôi có 40 heo nái ngoại, 2.000 con gà, 2.000 con vịt và hơn 1ha trồng cau, cây ăn quả các loại đã cho thu hoạch. Riêng cây cau, trong 3 năm trở lại đây rất được giá, 18.000 – 30.000 đồng/kg nên gia đình có thu nhập rất cao từ loại cây trồng này (khoảng 150 triệu đồng/năm)” - ông Chánh phấn khởi nói.
Theo ông Chánh, trong những năm gần đây, giá cả các mặt hàng nông sản rất bấp bênh nhưng gia đình ông vẫn có thu nhập ổn định 300 - 400 triệu đồng/ năm. Riêng trong năm 2017, ông thu hơn 500 triệu đồng từ chăn nuôi heo, gà vịt và thu hoạch cau, cây ăn quả. “Hiện, trang trại của tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hàng chục lao động thời vụ. Năm 2018, ước tính giá trị thu nhập từ cây ăn quả và chăn nuôi heo sẽ cao hơn năm trước do giá cả tương đối ổn định” – ông Chánh phấn khởi chia sẻ.
“Muốn làm ăn hiệu quả, trước tiên phải chịu khó, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời phải có sự quyết tâm, mạnh dạn vay vốn để đầu tư và nắm vững kiến thức thú y để chủ động phòng, chống dịch bệnh mới hạn chế được rủi ro. Ngoài ra, cần có sự liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức Hội đoàn thể ở địa phương, nhất là tổ chức Hội Nông dân các cấp để nắm bắt thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật và giá cả thị trường để tìm hướng ra cho sản phẩm” – ông Chánh chia sẻ bí quyết làm giàu.
Nhờ làm ăn hiệu quả nên ông được tặng danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm nay (2012 – 2017); là một trong 5 nông dân tiêu biểu xuất sắc nhất của tỉnh Quảng Ngãi được bình chọn tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội. Vinh dự hơn, ông còn là một trong 69 nông dân xuất sắc, tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã