Nhưng Tiền không phải vào facebook hay lướt tin trên mạng. Anh dùng điện thoại kiểm tra chức năng sống của "đàn con" dưa lưới gần 1 tháng tuổi.
Trên mảnh đất cù lao Long Phú Thuận - vùng đất trồng hoa màu trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp - chàng trai 9X Trần Thanh Tiền dần mở rộng diện tích trồng dưa lưới từ khoảnh sân chật hẹp của gia đình ra hơn 3.000m2.
Diện tích dù khiêm tốn nhưng điều đặc biệt là toàn bộ đất trồng đều ứng dụng công nghệ cao từ việc đo độ ẩm, ánh sáng, phân bón đến hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Với một chiếc điện thoại thông minh, Tiền có thể chăm sóc dưa lưới ở bất cứ nơi nào.
Trên ứng dụng điện thoại, Tiền tận tình chỉ chúng tôi các thông số như ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ. Sau đó liền thao tác tưới nước trong thời gian 3 phút bằng một cú nhấn nhẹ.
"Chỉ tưới 3 phút vì tưới nhiều hơn sẽ trôi tuột chất dinh dưỡng đang có trong đất và độ ẩm cũng vượt ngưỡng cây sẽ không sinh trưởng tốt", Tiền giải thích.
Không chỉ vậy dưa lưới do Tiền sản xuất còn có thể chủ động kiểm tra về độ đường, độ giòn để từ đó điều chỉnh dinh dưỡng cho cây để đạt độ ngon như ý muốn.
Gia đình Thanh Tiền không có đất sản xuất nông nghiệp. Thuở nhỏ, cậu bé Tiền dáng người nhỏ thó, thường xuyên đội bánh đi bán với mẹ.
Chẳng hiểu sao niềm đam mê làm nông nghiệp dần ngấm vào máu của cậu. Học ngành công nghệ sinh học Trường Đại học An Giang nhưng Tiền lại tìm hiểu nhiều hơn về nông nghiệp.
Khi ra trường, Tiền không chần chừ đăng ký chương trình "học làm nông dân ở Israel". Gần 1 năm sau, Tiền trở về nước. Nhiều người cứ ngỡ anh sẽ tìm công việc ở một công ty nào đó nhưng lại thấy Tiền lủi thủi cày đất, trồng rau.
Khi ở Israel tận mắt chứng kiến nền nông nghiệp hiện đại bên đó, tôi ấp ủ phải mở nông trại hiện đại ở ngay quê mình rồi nhân rộng cho người dân", Tiền tâm tư.
Ngày trở về quê nhà, Tiền quyết định rủ rê nhóm bạn từng học làm nông nghiệp ở Israel, mở nông trại và áp dụng những gì đã học. Ngay sau đó nhóm bạn trẻ liền bắt tay nhau vào sản xuất nông sản sạch trên chính quê hương Hồng Ngự. Tiền chịu trách nhiệm chính trong sản xuất, các bạn khác phụ trách xây dựng thương hiệu và tìm đối tác.
Để ứng dụng những gì đã học ở thiên đường khởi nghiệp Israel, Tiền lần mò từng công đoạn một vì từ vật tư nông nghiệp đến cả những thiết bị hiện đại ở Việt Nam đều rất hiếm. Thậm chí Tiền còn phải đặt hàng qua đường hàng không với giá trị vận chuyển còn mắc hơn giá trị vật được vận chuyển.
Mấy vụ đầu từ lỗ đến hòa vốn nhưng Tiền cho biết đều nằm trong kế hoạch vì sản xuất nhỏ lỗ cũng không nhiều, quan trọng là dần hoàn thiện quy trình mà nhóm bạn trẻ hướng đến là "chuẩn Israel". Mô hình vừa tiết giảm lượng nước, sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón công nghệ nano nên sản phẩm sạch vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vừa bảo vệ môi trường. Càng về sau Tiền càng mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi đã có quy trình chuẩn thì việc sản xuất lớn sẽ giảm chi phí sản xuất.
Thực hiện ước mơ mở nông trại xong, Tiền bắt đầu mở rộng quy mô bằng cách chuyển giao công nghệ cho người dân.
Tiền tâm tư về "điểm nghẽn" lớn nhất của cù lao không chỉ là sản xuất manh mún mà còn là thiếu đầu ra ổn định, thiếu liên kết. Vì vậy ngay từ ban đầu chiến lược tìm kiếm thị trường được thúc đẩy song song với sản xuất thử nghiệm.
Hiện nay, nông sản của Tiền được hai chuỗi siêu thị ở tỉnh An Giang bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Bước tiếp theo sau khi chuyển giao cho người dân là thu mua nông sản và chế biến.
Để nâng cao giá trị nông sản Tiền cho ra mắt sản phẩm dưa lưới khắc chữ để chưng tết. Dưa có thể khắc một hoặc hai chữ, phổ biến như chữ Tài, Lộc, Vạn sự, Như ý... Do thời gian sử dụng dưa lưới dài, cộng thêm da bên ngoài dầy nên dưa chưng tết xong đều có thể sử dụng như bình thường không dễ hư như một số nông sản chưng tết nghệ thuật khác.
Tiền dự định sẽ xúc tiến một số dự định khác như mở điểm du lịch trải nghiệm, xây dựng chuỗi café rau..., từ đó từng bước nâng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập để người dân yên tâm.
Ông Nguyễn Văn Buôn, phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết mô hình của Tiền được cả tỉnh và huyện đánh giá cao không chỉ về yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phù hợp với quy hoạch vùng trồng rau màu ở cù lao.
Sắp tới huyện sẽ nhân rộng mô hình cho người dân để dần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo lợi nhuận. Trước mắt sẽ dùng kinh phí từ chương trình khuyến nông để hỗ trợ mở rộng khu nhà màng thêm 300m2.
"Tiền như làn gió mới vừa mang tri thức lẫn nhiệt huyết, đam mê để làm nông nghiệp. Huyện đang rất cần những thanh niên như Tiền", ông Buôn chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã