Với bản lĩnh, quyết tâm của nữ giám đốc Lê Thị Khương (người cầm chậu), HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương vượt qua khó khăn, vươn tới thị trường rộng lớn.
Là người con của thôn ngư nghiệp Phú Xuân (Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh), chị Khương được nuôi lớn nhờ những lu nước mắm của mẹ lại tiếp nối nghề chế biến thủy sản của nhà chồng. Nghề truyền thống không chỉ giúp vợ chồng chị chăm lo cuộc sống của một gia đình có 6 nhân khẩu mà còn giúp tích lũy vốn để sau này mở mang làm ăn lớn.
Có tiềm lực, nhiệt huyết với nghề và luôn biết chia sẻ với bà con, chị Khương được xã Kỳ Xuân “chọn mặt gửi vàng” khi triển khai mô hình liên kết chế biến thủy sản ở địa phương.
“Khái niệm sản xuất theo tổ hợp tác rồi tiếp đến là HTX khiến tôi thực sự bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau khi tham gia nhiều cuộc tập huấn, học hỏi mô hình liên kết ở nhiều nơi và tham khảo các tư liệu, tôi bắt đầu nhập cuộc với quyết tâm sử dụng phương thức sản xuất mới để phát triển nghề truyền thống một cách bền vững…” - chị Khương kể.
Khó nhất theo chị đó là vận động những người cùng ý tưởng, tâm huyết chung tay xây dựng mô hình. Nhưng rồi tất cả đều được tháo gỡ bằng sự đoàn kết của 8 thành viên dưới sự đứng đầu của một nữ chủ nhiệm mạnh mẽ, quyết đoán và luôn biết sẻ chia. 3 năm đi vào hoạt động, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX đã xây dựng được nhãn hiệu “Nước mắm Phú Khương”.
HTX Phú Khương dự kiến sẽ có thêm hơn 20 lao động có việc làm thường xuyên khi quy mô sản xuất được mở rộng.
“Thương hiệu không chỉ giúp sản phẩm của mình được nhận diện mà còn luôn nhắc nhở mỗi thành viên HTX phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, kỹ thuật cao để giữ gìn uy tín sản phẩm” - chị Lê Thị Ái, xã viên HTX cho biết.
Thử thách bản lĩnh HTX Phú Khương, đó là một năm trời “không đầu vào (thu mua) và không đầu ra (chế biến thủy sản) trước ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Các thành viên và hơn chục lao động của HTX rơi vào tình cảnh thiếu việc làm, mất thu nhập. “Thời điểm đó, chị Khương thường xuyên nói chuyện, truyền cho chúng tôi niềm tin, rằng khó khăn sẽ đi qua và HTX sẽ đứng vững” - chị Nguyễn Thị Oanh, một lao động thường xuyên của HTX chia sẻ.
Năm 2017, môi trường biển hồi phục, thị trường tiêu thụ có tín hiệu mới. Cùng với những chính sách bồi thường sự cố và nguồn lực hỗ trợ từ dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo, HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương đã lấy lại đà phát triển.
Cùng với khôi phục sản xuất, Giám đốc Lê Thị Khương dồn sức mở rộng thị trường bằng việc tranh thủ các hội chợ xúc tiến thương mại, các kênh tuyên truyền quảng bá để giới thiệu về sản phẩm đặc biệt của Kỳ Xuân. Cuối năm 2017, với 2.200 lít nước mắm và 10 tấn sản phẩm khô được tiêu thụ, HTX đạt doanh thu cao nhất từ trước tới nay: 6 tỷ đồng; thu nhập xã viên nâng lên 6-7 triệu đồng/tháng, người lao động đạt 4-5 triệu đồng/người/ tháng.
Trên đà phát triển, Giám đốc Lê Thị Khương mạnh dạn đề xuất và đã được chính quyền địa phương cấp hơn 5.000 m2 đất làm mặt bằng để HTX mở rộng sản xuất. Cùng với đầu tư kho đông lạnh có sức chứa 35 tấn sản phẩm, dự kiến, sản lượng thu mua, chế biến từ năm 2018 trở đi sẽ tăng gấp đôi với hơn 300 ngàn tấn thủy sản của bà con ngư dân địa phương sẽ được HTX tiêu thụ.
Giờ đây, không còn phải tuyên truyền vận động, hiện có 8 người đang đề xuất nguyện vọng góp vốn tham gia vào HTX Phú Khương và dự kiến sẽ có thêm hơn 20 lao động có việc làm thường xuyên khi quy mô sản xuất được mở rộng.
Theo Mai Thủy/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã