Rời phố về quê
Từ bỏ cuộc sống nơi phố thị, lão nông Phạm Quang Hùng chọn về lại vùng quê nghèo đồi núi khô cằn ở xóm 2, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để tiếp tục phát triển sự nghiệp kinh tế của mình.
Năm 2004, khi có chính sách trồng cây phủ xanh đồi trọc, ông xin nhận một vùng đất đồi của Công ty thông Hương Khê để trồng cây keo nguyên liệu. Để có vốn liếng đầu tư, ông Hùng đã phải cầm cố hết tài sản của gia đình, vay mượn anh em họ hàng để làm ăn, không những thế đường xá đi lại rất khó khăn. Từ dân phố thị, hai vợ chồng ông trở thành những người nông dân thực thụ giữa núi đồi bao la.
Sau khi nhận đất, với quyết tâm nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi trọc, ông Hùng tiến hành trồng hơn 50ha cây keo nguyên liệu. Ngoài ra ông còn trồng hơn 9,5ha cây trầm hương (đến nay đã được 11 năm tuổi hứa hẹn cho thu nhập đáng kể). Hằng năm sau khi thu hoạch xong ông lại tổ chức trồng mới.
Không dừng lại ở đó, để phát huy trang trại với quy mô lớn và phát triển kinh tế lâu dài và bền vững. Năm 2009 ông Hùng trồng 3.500 gốc cam bù và đến năm 2013 mới cho quả bói được 5-6 tấn cam, sau 1 năm thu hoạch 13-14 tấn. Năm vừa qua, cả vườn cam bù của ông thu hoạch tới 27 tấn cam cho thu nhập cả tỷ đồng.
Ông Hùng cho biết, “Vì chú trọng tới khoa học kỹ thuật nên so với cam của người khác, cam bù của tôi có quả muộn hơn 1 năm vì bị hạn hán, cam này tán không vươn lên cao mà chỉ rộng ra giúp có năng suất tốt hơn”.
Theo lão nông chia sẻ, ngoài áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel thì khi cam lớn bằng quả chanh ông sẽ xay đậu tương để tưới cho cam. Làm như vậy không những giúp cam ngon ngọt hơn mà quả sẽ to và đẹp hơn.
Không chỉ riêng cam bù mà ông còn trồng thêm quýt, cam chanh, cùng với hàng trăm cây mít Thái cho quả 4 mùa để lúc nào trang trại cũng có thu nhập tới nay mấy trăm gốc mít Thái của ông đã có quả thu hoạch.
Năm 2017, ông Hùng trồng thêm 2000 gốc cam chanh, 1000 gốc bưởi Phúc Trạch đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hương Khê và 2200 gốc cam Xã Đoài V2 chín muộn.
Sau khi có một mô hình kinh tế vườn rừng lớn 2 vợ chồng ông Hùng lại nghiên cứu sang chăn nuôi. Ông Hùng đã trực tiếp lặn lội sang vùng đất Hương Sơn để tìm hiểu cách nuôi lợn rừng và nuôi hươu. Đến bây giờ ông có một trang trại với 40 con hươu, 110 con lợn rừng, gần 10 tổ ong lấy mật.
Từ sỏi đá thành “đất vàng”
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dễ làm trước khó làm sau, ông Hùng đã trồng cây keo trước, trồng cây ăn quả sau và kết hợp chăn nuôi tạo mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng bền vững (VACR). Đặc biệt nhờ các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế bền vững nên ông rất chú trọng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để chống chọi với thiên nhiên, với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu như nắng hạn kéo dài và gay gắt, rồi gió Lào khô nóng, lũ lụt... Ông đã đưa vào trồng các loại cây bản địa có khả năng chống chịu cao và có hiệu quả kinh tế như bưởi Phúc Trạch, cam chanh. Đặc biệt ông đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Tân Nông Thịnh (Lâm Đồng) để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, sử dụng các loại phân bón phù hợp với điều kiện đất đai.
Ông Hùng cho biết, khó khăn lớn nhất của trang trại là nguồn điện. Với quy mô lớn, trang trại ông đang cần một nguồn điện 3 pha với đường dây 320m từ cột điện vào đến nhà nhưng chưa được đồng ý. Trong khi đó, với đường điện sinh hoạt với công suất bình thường không thể đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nên phần lớn toàn bộ hoạt động của trang trại đều phụ thuộc vào máy nổ.
Theo ông Hùng, để được thành quả như bây giờ phải có bao công sức, của cải của gia đình, anh em đổ vào đây, mà hơn hết là ông luôn luôn học hỏi, tiếp thu nhưng gì mới nhất, những cách làm hay, nhưng mô hình có hiệu quả, để bây giờ mấy trăm vật nuôi gia cầm của ông biếng ăn, hay sổ mũi ông cũng biết bệnh gì để lấy thuốc tiêm, hay gốc cam, gốc bưởi có một hiện tượng lạ có phương pháp khắc phục.
Đặc biệt vùng cây ăn quả của ông là 1 trong 10 mô hình làm theo mô hình VietGap thay thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học, vừa không gây hại cho quả mà vẫn phòng ngừa được sâu bệnh.
Hiện tại, trang trại của ông Hùng cho thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động mang tính thời vụ.
Với bàn tay và ý chí quyết tâm, ông đã biến một vùng đồi núi hoang hóa thành một trang trại tổng hợp cho thu nhập tiền tỷ, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đây được xem là một trang trại điển hình của tỉnh Hà Tĩnh. Được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Trung tâm khuyến nông quốc gia công nhận.
Theo Phước Diễm/doisongtieudung.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã