Hội thảo có sự tham dự của 156 đại biểu đến từ Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Tài Chính, Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên, UBND huyện Phú Bình, các đơn vị tham gia thực hiện dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nội, cùng lãnh đạo và đông đảo bà con nông dân xã Thượng Đình.
Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và bỗ béo bò thịt trong nông hộ” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo Quyết định số 885/QĐ- BNN- KHCN, ngày 29/4/2014. Dự án được triển khai trong 3 năm tại 11 tỉnh (Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Quảng Bình, Thái Nguyên và Thái Bình) với quy mô 2.924 bò vỗ béo và 3.000 bò được TTNT. Qua 2 năm triển khai mô hình, dự án đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Đối với mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT: Năm 2014, với quy mô 1.500 con bò cái nền được TTNT đã có 1.117 con phối chửa ngay lần 1, đạt tỷ lệ 74,47%; đã có 1.390 số bê con được sinh ra với khối lượng bê sơ sinh trung bình đạt 23,54 kg/con. Năm 2015, số bò cái nền phối chửa lần 1 tăng lên 1.143 con, đạt tỷ lệ 76,2%. Dự án đã sử dụng tinh bò đực thuộc nhóm Zebu, Droughtmaste và BBB nên khối lượng bê sơ sinh tương đối cao. Đặc biệt có những bê lai F1 BBB có khối lượng sơ sinh 29,5 kg/con. Có thể nói việc áp dụng phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật TTNT sẽ giúp tăng nhanh quy mô đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những đực giống có năng suất cao, có giá trị trên phạm vi rộng đến tận hộ hoặc từng trại chăn nuôi, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau. Đồng thời, kỹ thuật TTNT tạo ra đàn con lai có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bò vàng Việt Nam. Với quy mô 3.000 bò cái được TTNT đã tạo ra khoảng 2.000 con bê lai. Mỗi bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 triệu đồng/con, như vậy tổng giá chệnh lệch khoảng 6 tỷ đồng. Trong khi đó không phải tốn chi phí nuôi bò đực giống nên hiệu quả kinh tế mang lại từ dự án cao hơn so với chăn nuôi bò địa phương khoảng trên 15%.
Đối với mô hình vỗ béo bò thịt: Trong 2 năm 2014- 2015, dự án đã đưa vào vỗ béo 1.074 con, chia làm ba nhóm: bê từ 144- 220 kg, bò từ 220- 270 kg, bò trên 270 kg. Bình quân, mỗi con bò vỗ béo trong mô hình sau 3 tháng đã tăng trọng được 754,83 gam (so với bò nuôi vỗ béo ngoài mô hình chỉ tăng trọng 422,5 gam). Bình quân, bò sau khi vỗ béo bán cho lợi nhuận cao hơn so với không vỗ béo từ 3,5- 5 triệu đồng/con. Hiệu quả kinh tế tăng 16- 18% so với các hộ không tham gia dự án.
Trong 2 năm triển khai, dự án đã tổ chức được 118 lớp tập huấn trong và ngoài mô hình cho trên 3.000 học viên, giúp bà con củng cố kiến thức, đồng thời nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất.
Dự án "Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ" được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo Quyết định số 385/QĐ- BNN- KHCN ngày 27/2/2013. Trong 3 năm từ 2013- 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án trên địa bàn 9 tỉnh gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mục tiêu của dự án là nâng cao tỷ lệ sinh sản của đàn trâu cái, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ của trâu; nâng cao khối lượng nghé sơ sinh, khối lượng trâu ở các lứa tuổi, phục hồi chất lượng đàn trâu; tăng hiệu quả chăn nuôi trâu sinh sản của các hộ tham gia mô hình lên 10- 15%. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hỗ trợ bà con 302 trâu cái, 24 trâu đực, số con có chửa lứa 1 là 193 con, đạt gần 64%. Số con đã đẻ lứa 1 là 156 con và 14 con đẻ lứa 2, khối lượng bình quân nghé sơ sinh lứa 1 đạt 23,55 kg/con. Trong khi đó, trước đây khi nuôi theo phương thức truyền thống, tỷ lệ phối chửa lần 1 của trâu chỉ đạt dưới 50%, khối lượng nghé sơ sinh trung bình 18- 19 kg/con, thường còi cọc, chậm lớn. Bên cạnh đó, dự án còn theo dõi khả năng hiệu quả cải tạo tầm vóc trâu cái địa phương thông qua trâu đực hỗ trợ. Mỗi trâu đực đảm bảo duy trì phối giống đạt từ 20- 30 trâu cái/năm. Đặc biệt với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế tại các xã xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm triển khai đã có 20/24 xã tham gia dự án nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, chiếm 83,3%.
Để có được kết quả khả quan nêu trên, các chủ nhiệm dự án đã hết sức chú ý tới công tác chọn điểm, chọn hộ; công tác đào tạo, tập huấn và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào mô hình... Do xác định công tác chọn điểm, chọn hộ đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công và nhân rộng của dự án nên cơ quan chủ trì đã xây dựng tiêu chí chọn điểm, chọn hộ. Căn cứ vào bộ tiêu chí này, các đơn vị phối hợp triển khai đã rà soát cụ thể từng tiêu chí và bổ sung thêm các tiêu chí khác tại địa phương như ưu tiên các xã xây dựng nông thôn mới, có chính sách và quy hoạch để phát triển chăn nuôi đại gia súc… trên nguyên tắc đúng đối tượng và công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, một nông dân tham gia mô hình ở xã Thượng Đình cho biết: Dự án thật sự đã mang lại hiệu quả cho gia đình bà và 65 hộ gia đình tham gia dự án. Bò được TTNT cho tỷ lệ phối chửa cao. Bê con sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng cao hơn hẳn so với trước đây. Đã từng tiếp đón nhiều đoàn tới tham quan, học tập mô hình của gia đình, bà mong muốn dự án này sẽ được triển khai rộng rãi tới nhiều địa phương trong tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Để phát huy kết quả của các dự án trong thời gian tới, việc tuyên truyền nhân rộng mô hình là vô cùng quan trọng. Đánh giá cao sự thành công của dự án, đặc biệt là sự chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông tin tưởng rằng các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông sẽ tiếp tục phát triển, được nhân rộng và tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trong thời gian tới.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ đề nghị trên cơ sở các quy trình khoa học mà Bộ đã ban hành, qua quá trình triển khai dự án, các chủ nhiệm dự án nên bổ sung, cụ thể hóa các quy trình kỹ thuật và phổ biển để bà con nông dân dễ áp dụng.
Từ những hiệu quả bước đầu có thể thấy, các dự án hoàn toàn có thể nhân ra diện rộng, một mặt giải quyết nhu cầu xã hội về việc làm cho lao động nông thôn, bên cạnh đó còn tạo ngành nghề có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của các hộ dân trong vùng. Đặc biệt, thông qua các hoạt động như tập huấn, tham quan hội thảo, thông tin tuyên truyền… các dự án sẽ lan tỏa ra cộng đồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giúp cho bà con nông dân nhiều xã điểm xây dựng nông thôn mới sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã