Đang có việc làm với mức lương khá tốt ở Công ty đường Quảng Ngãi, thế nhưng, anh Nguyễn Đức Thuận, 41 tuổi, ở thôn Phú Thuận Tây, (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) lại bỏ ngang giữa chừng để lên núi mở trang trại nuôi gà Lạc Thủy.
Nằm cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi khoảng 20 phút đi xe máy, trang trại gà của anh Thuận nằm giữa bốn bề cây cối với diện tích hơn 2ha. Sau khi nghỉ việc ở nhà máy, với số vốn ít ỏi ban đầu, anh mở một nhà hàng ăn uống ở Thành phố. Từ đây, với mong muốn cung cấp nguồn thực phẩm ngon bổ rẻ cho khách hàng, anh nảy ra ý định mở trang trại để chăn nuôi gà.
Sau khi vay mượn nhiều nơi, với mảnh đất có được anh đã dồn toàn lực cho khu trang trại rộng 2ha, được chia thành 10 khu biệt lập để nuôi gà tùy theo độ tuổi khác nhau. Nhắm vào thị hiếu muốn ăn thực phẩm lạ, độc đáo, sau nhiều lần tìm hiểu anh đã quyết định ra tận Hòa Bình, tìm đến quê hương của giống gà Lạc Thủy nổi tiếng để mua giống.
Anh Thuận là người hiếm hoi ở Quảng Ngãi chọn nuôi giống gà Lạc Thủy.
Lạc Thủy là giống gà đặc hữu và rất quý hiếm, được phát hiện ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và chưa được nhiều người biết đến. Ngay khi loài gà này được phát hiện, các nhà khoa học đã lập tức đưa chúng vào diện cần phải bảo tồn. Và địa danh Lạc Thủy cũng được chọn để đặt tên cho giống gà này.
Ban đầu, anh Thuận mua 1.000 con gà giống một ngày tuổi với giá 13.000 đồng một con. Lúc mới nuôi thử nghiệm, do là dân tay ngang nên 1.000 con gà anh mua về bị hao hụt hơn 300 con. Với ý chí và quyết tâm làm giàu trên mô hình mới, anh kiên nhẫn học hỏi qua nhiều kênh khác nhau để chăm sóc gà tốt hơn.
“Gà này thịt rất thơm ngon. Khi trưởng thành gà mái có lông màu lá chuối khô nhạt, trọng lượng khoảng 1,5kg, còn gà trống lông màu đỏ mận, trọng lượng tầm 2kg, chân nhỏ, da vàng. Tuy chưa được nhiều người biết đến, nhưng khi đưa ra thị trường nó đã nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Cách chăm sóc và thức ăn cho gà cũng đơn giản, như rau bèo, cám, lúa… Tuy nhiên, phải mất 5-6 tháng mới cho xuất bán", anh Thuận nói.
Để có số lượng gà xuất bán thường xuyên, anh chia việc mua, nhập giống thành từng đợt khác nhau, mỗi đợt nhập khoảng 1.000 con. Sau khi nhập gà giống về, từ một đến 21 ngày tuổi, anh nhốt riêng và cho gà ăn cám, bột, gạo sau đó mới thả tự do trong vườn. Ban đầu anh Thuận trồng cỏ, nuôi bèo cho gà ăn, nhưng sau đó thấy cách làm này không hiệu quả, anh thực hiện một ý tưởng táo bạo hơn là nuôi gà bằng lúa và giá đỗ ủ mầm.
Lý giải cho cách nuôi này, anh cho hay việc cho ăn giá đỗ ủ mầm, lúa ủ mầm giúp gà đảm bảo về vệ sinh, tăng trọng nhanh hơn. Kinh phí cho thức ăn cũng rẻ hơn nhiều so với cám, bột.
Hiện, cứ sau 5 tháng nuôi, trang trại anh Thuận xuất bán một lứa gà Lạc Thủy thương phẩm với giá 180.000 đồng một con tùy theo sự lựa chọn của khách hàng. Đặc biệt, sau khi khách chọn gà xong, anh sẽ làm thịt sạch sẽ và hút chân không cho sản phẩm để tăng được thời gian bảo quản, rồi mới giao cho khách.
“Không giống như nhiều người chăn nuôi khác, tôi bán gà không theo kg, mà bán theo con. Khách cứ vào chọn thỏa sức, chỉ con nào tôi bắt con đó, làm sạch sẽ, hút chân không xong giá mỗi con chỉ 180.000 đồng”, anh Thuận cho hay.
Ngoài sở hữu của hàng nghìn con gà, hiện trang trại anh Thuận còn có hơn 200 con vịt, heo rừng, bò và 400 gốc thanh long ruột đỏ. Anh cho biết, sắp đến sẽ thuê đất để mở rộng diện tích lên 10ha, tăng đàn gà lên 30.000 con một lứa, đồng thời xây dựng bộ nhận diện, đăng ký thương hiệu “Gà ta Thuận Phát”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã