Năm 2001, ông Lê Hồng Điệp bắt đầu khai hoang, lập nghiệp. “Những năm đầu về đây khai khẩn đồi hoang làm trang trại, ai cũng bảo tôi sớm phải bỏ cuộc bởi lúc đó, vùng này là đồi núi hoang sơ, đường đi khó khăn, nhìn ra chỉ thấy cỏ mọc um tùm…” - ông Điệp nhớ lại.
Với bản tính cần cù, chịu khó, lại say mê làm vườn, ông đã chứng minh quyết định của mình hoàn toàn đúng. Hiện tại, với trang trại trù phú gần 4 ha, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, ông Điệp đã khiến mọi người ngưỡng mộ.
Hành trình “mở đường” đón thanh long ruột đỏ về của ông Điệp cũng không dễ dàng. Trước đó, ông phải trồng, thử nghiệm nhiều lần để xem giống nào sẽ phù hợp với thổ nhưỡng ở vùng này. Mãi đến tháng 8/2016, ông mới mạnh dạn đầu tư, đưa 500 trụ thanh long ruột đỏ đầu tiên về vườn.
Nhờ sự quyết tâm, đam mê cùng quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, những trụ thanh long đầu tiên bắt đầu cho quả ngọt. Năm 2017, vườn thanh long mới cho bói quả nhưng sản lượng cũng đã đạt gần 1 tấn, trừ chi phí, tính ra cũng thu lãi hàng chục triệu đồng.
Từ việc chỉ trồng thử nghiệm mấy trăm trụ, đến nay, ông Điệp đã mở rộng diện tích lên đến 2.500 trụ thanh long. Năm 2018, với tình hình thời tiết thuận, ông Điệp ước tính sản lượng đạt 10 tấn quả, thương lái đến thu mua tận vườn.
Ông Điệp chia sẻ: “Thanh long ruột đỏ là giống cây dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất sỏi, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc. Chỉ cần rải rơm rạ hoặc ủ trấu dưới gốc cùng với phân chuồng là cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt”.
So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, chỉ cần nhiệt độ trung bình trên 25 độ C là cây sẽ nở hoa liên tục. Mỗi năm thu hoạch từ 15 - 16 lứa, mỗi trụ cho thu hoạch 25 - 30 kg với giá bán thấp nhất là 15.000 đồng/kg.
Ở Phú Lộc, không chỉ ông Điệp mà các hộ khác như: Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Việt… cũng liên tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, chị Dung có gần 550 trụ, còn chị Việt có trên 300 trụ thanh long ruột đỏ.
Ông Điệp cung cấp nguồn giống, hướng dẫn bà con trong xã kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều bà con ở xã vùng núi còn nhiều khó khăn này.
Chỉ tay vào vườn thanh long trước mặt, ông Điệp tươi cười: “Trong tương lai, tôi sẽ đầu tư, mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng thanh long, cùng với bà con, đưa thanh long trở thành giống cây trồng chủ lực ở đây”.
Theo: Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã