Ở Bắc Văn, trước đây, một số hộ chăn nuôi gà trong vườn nhà với quy mô 1.000 - 2.000/lứa nhưng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Trước thực tế đó, năm 2014, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển chuồng trại ra rừng keo chăn nuôi theo hướng gà bán thả rông.
Vùng Bàu Trằm Nậy là một bãi cát trắng hoang hóa lâu năm. Để tránh hoang mạc hóa, cũng như tạo điều kiện giúp người dân trong sản xuất, năm 2011, xã Thạch Văn đã cho một số hộ dân mượn đất trồng keo.
Sau một vài lứa nuôi cho hiệu quả, nhiều hộ dân theo nhau áp dụng và đến nay, có 6 hộ đã nuôi gà bán thả rông với tổng diện tích khoảng trên 20 ha. Điều đáng mừng là gà nuôi bán thả rông trên đất cát trồng keo phát triển tốt, không ô nhiễm môi trường và đặc biệt là cho thu nhập rất cao.
Cùng cán bộ chuyên trách Nông nghiệp xã Thạch Văn Trần Hoài Phương tham quan thực tế các trang trại gà thả rông, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi mô hình này. Gà được các hộ dân thả nuôi trong "rặc" - là vùng đất trồng keo được vây kín bằng lưới thép gai b40, rộng hàng nghìn m2. Trong rặc, người nuôi xây dựng một cái chuồng lớn để gà vào ngủ. Còn lại, gà tự do đi lại trong không gian tự nhiên. Cách nuôi này không bị áp lực mật độ, lại gần gũi với thiên nhiên nên gà phát triển rất tốt.
Anh Nguyễn Văn Cương - một trong những hộ nuôi đầu tiên, cho biết: Trước đây, tôi nuôi trong vườn nhà với quy mô 1.000 con/lứa nhưng rất hôi thối. Năm 2014, cả gia đình tôi ra khu vực này để nuôi nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 16 rặc gà trong diện tích hơn 3 ha keo. Mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa hơn 5.000 con. Tính ra, 1 năm xuất chuồng 15.000 con, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo anh Cương, gà giống được mua tại trại giống uy tín ở Bắc Ninh ngay khi gà mới nở; sau đó, về "úm" trong chuồng đến lúc được 1 tháng tuổi thì thả ra trang trại. Từ khi gà đạt 2 tháng tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh mà chỉ sử dụng tỏi làm kháng sinh tự nhiên cho đến khi xuất chuồng để đảm bảo gà sạch cho người sử dụng. Tỏi được dùng 1 lần/tuần bằng hình thức đập nát ngâm nước cho gà uống; phần xác cho gà ăn. Nhờ ăn tỏi và uống nước tỏi nên gà không bị bệnh và không tồn dư kháng sinh khi xuất chuồng.
Đặc biệt, với hình thức nuôi bán tự nhiên này, thịt gà rất săn chắc và thơm ngon, được mệnh danh là gà "đi bộ". Với "thương hiệu" và chất lượng đó, anh đã tạo được nguồn cung cấp ổn định vào các nhà trường và nhà hàng, khách sạn ở thành phố Hà Tĩnh trong nhiều năm nay.
Cạnh trại anh Cương, anh Nguyễn Văn Trợ cũng đang nuôi thành công 8 rặc gà thả rông. Cùng với gà, anh Trợ còn nuôi 4.000 con vịt đẻ, cho thu hoạch mỗi tháng gần 100 nghìn quả trứng. Anh cho biết, mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 20 tấn gà và 1 rặc vịt đẻ, trừ chi phí, thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Theo cán bộ chuyên trách Nông nghiệp xã Thạch Văn Trần Hoài Phương, mô hình nuôi gà thả rông bán tự nhiên hiện đang phát huy hiệu quả. Các hộ nuôi này đều được hưởng chính sách trong phát triển nông nghiệp theo quy định.
Hiện tại, xã đang cho họ mượn đất để phát triển chứ không hề thu một khoản gì. Các hộ dân này thực sự có thu nhập rất lớn từ nuôi gà trên cát, trở thành 1 hướng làm giàu hiệu quả của người dân địa phương.
Theo Chính Thu/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã