Trước đây việc khai thác rươi, cáy đã được người dân nơi đây thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng và kỹ thuật thâm canh nên năng suất sản phẩm thu được còn thấp, chưa mang tính hàng hóa tập trung. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm “OCOP”, huyện Đức Thọ nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung nhận thấy đây là một trong những sản phẩm tiềm năng để đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu bởi sản phẩm rươi, cáy và gạo Hữu cơ thực sự đang được thị trường ưu chuộng. Bên cạnh đó, nhằm khai thác hết tiềm năng của vùng đất một cách bền vững và nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Năm 2020 Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh xây dựng mô hình “sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy” tại 3 xã Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, Yên Hồ với 102 ha sản xuất lúa trên ruộng khai thác rươi và cáy, với 502 hộ tham gia. Trong đó: Yên Hồ 43,04 ha ( 86 hộ ), Bùi La Nhân 43,52 ha ( 313 hộ ), Quang Vĩnh 10,28 ha ( 103 hộ).
Mô hình đã được đầu tư đồng bộ cải tạo đồng ruộng, hệ thống kênh dẫn nước khai thác rươi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phương pháp cấy lúa bằng máy, điều tiết nước hợp lý. Giống lúa được sử dụng là các loại giống ST24, ST25 đều nằm trong nhóm giống lúa thơm đặc sản chất lượng cao, thích nghi trên đất mặn, phèn và ít bị sâu bệnh gây hại; phân bón dùng để bón cho ruộng là những loại phân bón chuyên dùng cho ruộng rươi phân Samurai 60% hữu cơ. Đây là loại phân giúp tăng cường chất hữu cơ cho đất và cây trồng, tái tạo hệ sinh thái đất nhờ các tập đoàn sinh vật, trả lại độ phì nhiêu cho đất sau quá trình canh tác, tăng năng suất và chất lượng nông sản, tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh. Bên cạnh đó để tạo bộ lá và hệ rễ phát triển tốt, vào các thời điểm bón thúc sử dụng Chế phẩm sinh học Seamal zen phun qua lá.
Trong vụ Xuân năm 2021, sau quá trình triển khai thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ về giống, phân bón đã có được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Năng suất lúa đạt từ 44-46 tạ/ha, giá lúa tươi thu mua tai ruộng được Công ty TNHH Dịch vụ Bảo An mua với giá 10.000 đ/kg, tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa thông thường.
Ông Trần Văn Kỉnh - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Diên, cũng là hộ dân có diện tích sản xuất lúa tại vùng rươi, cáy nhiều nhất cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 15ha diện tích sản xuất trong vùng, trong vụ Xuân năm nay được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới về thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy tôi và các hộ dân đã sản xuất giống lúa ST24, ST25 là một trong những giống lúa, gạo ngon nhất thế giới hiện nay mà chúng tôi cũng đang ao ước được làm, để thử nghiệm sự phù hợp với đồng đất này nhằm chọn ra được sản phẩm gạo OCOP trong thời gian tới. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chúng tôi đã thực hiện đảm bảo đúng theo quy trình nên năng suất lúa đạt cao đồng thời Hợp tác xã Bảo An đã liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất trong bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa làm ra đều được thu mua với giá cao gần gấp 2 lần so với các giống lúa thông thường. Bên cạnh đó, việc sản xuất sử dụng các loại phân bón hữu cơ giúp cây trồng ít bị sâu bệnh hại, đất được cải tạo tốt nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, khi thu hoạch lúa chúng tôi đã đi xuống ruộng kiểm tra thấy đất rất tốt và rươi xuất hiện nhiều. Hy vọng năm nay sẽ cho thu hoạch được nhiều rươi hơn”.
Ông Bùi Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Yên Hồ là một trong 3 xã được thiên nhiên ưu đãi nên có nguồn rươi, cáy tự nhiên và bà con nơi đây đã khai thác trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc thực hiện cả về sản xuất lúa trên ruộng rươi, cáy cả về khai thác tiềm năng rươi, cáy còn chưa được chú trọng về kỹ thuật, còn làm theo truyền thống. Được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới xã đã cùng xã Bùi La Nhân và Quang Vĩnh thực hiện mô hình “sản xuất gạo hữu cơ trên ruộng rươi, cáy”. Nhờ việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhất là việc đưa giống mới ST24, ST25, loại phân bón chuyên dùng cho ruộng rươi, cáy vào sản xuất và sự chỉ đạo hướng dẫn cán bộ kỹ thuật chuyên sâu và mô hình cũng đã áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy tạo sự đồng đều trên ruộng, cây bén rễ hồi xanh nhanh nên đến nay kết quả đạt được ở vụ Xuân thật sự đáng ghi nhận, chưa có giống lúa nào trên địa bàn từ trước đến nay được mua với giá 10.000đ/kg lúa tươi ngay tại ruộng, bên cạnh đó ruộng được cải tạo nên đất rất tốt điều này có thể thấy rõ thông qua sự phát triển của cây lúa và năng suất lúa đã thu hoạch. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để phát triển sản phẩm OCOP cả về rươi, cáy cả về gạo hữu cơ trên ruộng rươi, cáy để nâng cao thu nhập cho các hộ dân, đưa đời sống nhân dân ngày càng đi lên”./.
Thái Thơm/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã