Học tập đạo đức HCM

Nhân rộng vùng sản xuất lúa hữu cơ, khôi phục rươi, cáy

Thứ sáu - 31/05/2024 04:55
Qua thực tế việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại vùng nuôi rươi, cáy ở một số địa phương, không chỉ cho sản phẩm lúa gạo an toàn mà mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, khôi phục được nguồn rươi, cáy tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, một số địa phương tại Hà Tĩnh phát huy lợi thế, đẩy mạnh mở rộng vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Khu vực ven sông Lam thuộc xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân có diện tích đất ruộng trên 12 ha thường xuyên được phù sa bồi đắp nên đất khá giàu mùn, thuận lợi cho lúa cũng như rươi sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm canh tác theo cách truyền thống, lúa đạt năng suất thấp, rươi cũng dần ít đi. Để khôi phục nguồn rươi, cáy tự nhiên và tăng năng suất chất lượng lúa gạo, tháng 9/2022, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo triển khai cải tạo đồng ruộng để thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại thôn 2 và thôn 3, xã Xuân Lam với quy mô 10 ha, giao HTX Nông nghiệp Thống Nhất xã Xuân Lam thực hiện. Sau khi HTX hoàn thành việc san đất, cải tạo đồng ruộng, đảm bảo điều kiện, vụ xuân 2023, các thành viên HTX  bắt đầu xuống giống sản xuất lúa hữu cơ vụ đầu tiên.
a019
Rươi ở những ruộng lúa hữu cơ tại xã Xuân Lam đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Gia đình ông Lê Anh Sơn, ở thôn 2 xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, là một trong những hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi do HTX Nông nghiệp Thống Nhất xã Xuân Lam triển khai. Vụ xuân năm 2024 là vụ thứ hai gia đình ông Sơn cấy giống lúa ST25 trên ruộng khai thác rươi. Ngoài năng suất lúa hữu cơ cao hơn vụ đầu thì rươi cũng xuất hiện với mật độ nhiều hơn trước.
Ông Sơn cho hay: Sau khi đồng ruộng được cải tạo lại, mặt ruộng thấp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nước sông ra vào, bồi đắp phù sa, cùng với việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ, đất ruộng giàu dinh dưỡng nên ngoài lúa thu hoạch đạt năng suất 270kg/sào, cao hơn trước 50 kg/sào, chúng tôi còn khai thác được nhiều rươi hơn. Nếu ruộng rươi tự nhiên trước đây chỉ đạt mật độ 10-15 con/m2 và cho thu hoạch từ tháng 9 - 10 (Âm lịch), bây giờ, ruộng canh tác lúa hữu cơ, được bổ sung dinh dưỡng nên  mật độ tăng lên từ 35- 40 con/m2, có nơi trên 100 con/m2 và cho thu hoạch vào cả tháng 5-6 (Âm Lịch). Mặc dù, gia đình chỉ sản xuất 4 sào lúa, nhưng vụ đầu tiên đã thu hoạch hơn 1 tấn lúa và gần 1 tạ rươi, trị giá trên 100 triệu đồng. Qua theo dõi, vụ này chắc chắn năng suất rươi sẽ đạt cao hơn.
a020
 Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất, xã Xuân Lam cùng bà con kiểm tra nguồn rươi trên những ruộng lúa hữu cơ vừa được cải tạo đưa vào sản xuất.  
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân cho biết: Việc triển khai mô hình này nhằm khai thác ưu thế của địa phương tạo ra sản phẩm gạo, rươi, cáy an toàn, từ đó làm cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm gạo rươi đạt tiêu chuẩn OCOP 3sao; hướng tới xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Qua 2 vụ sản xuất, năng suất lúa hữu cơ trên ruộng rươi tăng lên rõ rệt, đạt bình quân 54 tạ/ha, rươi đạt 2,5 tạ/ha, cáy đạt 3,5 tạ/ha. Đây là bước đi quan trọng giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nâng cao giá trị sản xuất lúa trên đơn vị diện tích. Từ diện tích ban đầu 10ha, HTX đang tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô tập trung 80 ha.
Còn tại vùng sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi ở khu vực Đồng Láng, thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang, nơi đây là vùng thấp trũng (cạnh kênh Nhà Lê), nguồn nước mặn lợ ở đây từng có khá nhiều rươi tự nhiên, tuy nhiên, trong một thời gian dài, do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên rươi cũng như các loại sinh vật sống trên đồng ruộng dần biến mất. Sau 6 vụ kiên trì thực hiện canh tác lúa hữu cơ, nói không với thuốc BVTV và phân bón hóa học, con rươi, con cáy cũng đã xuất hiện trở lại. Đó chính là tín hiệu đáng mừng để người dân nơi đây có quyền hi vọng mang về những giá trị mới, mở ra hướng phát triển kinh tế mới ngay trên những thửa ruộng của chính quê hương mình.
a021 canh dong lua huu co tren ruong ruoi thon dau giang
Hệ sinh thái trên cánh đồng sản xuất lúa kết hợp nuôi rươi theo hướng hữu cơ tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang dần được  phục hồi
Được biết, thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, từ vụ Xuân 2022, huyện Kỳ Anh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình “Mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên ” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang với diện tích 5 ha với 8 hộ tham gia với mục đích tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, khôi phục lại nguồn rươi cáy tự nhiên, tăng giá trị thu nhập cho người dân.
Là người gắn bó với cánh đồng này từ hàng chục năm trước và đã từng có thu nhập từ rươi ngay tại vùng đất này, ông Nguyễn Văn Huấn hết sức phấn khởi khi biết chủ trương khôi phục sản phẩm rươi tự nhiên và sản xuất lúa hữu cơ của thôn và xã.
Ông Huấn chia sẻ: “Trước kia, trên cánh đồng này, rươi, cáy nhiều lắm, nhưng sau nhiều năm người dân sản xuất lúa sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ nên rươi, cáy cũng dần mất đi. Khi có chủ trương làm lúa hữu cơ để khôi phục con rươi, con cáy, tôi nghe mà vui hẳn nên đăng ký làm luôn ở vụ đầu tiên với 15 sào ruộng. Đến nay, tôi đã tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ thứ 6 rồi, thấy rươi đã xuất hiện trở lại, có những chân ruộng mật độ lên đến năm sáu chục con mỗi mét vuông. Năm ngoái, gặt lúa vụ hè thu xong, tôi đã thu hoạch được một lượng rươi kha khá nên hy vọng năm nay sẽ thu hoạch được nhiều rươi hơn để có thêm thu nhập.”.
a022 ong huan kiem tra ruoi
 Ông Nguyễn Văn Huấn đang bốc những nắm đất từ ruộng lúa hữu cơ để kiểm tra mật độ của con rươi.
Rươi là loài nhuyễn thể rất nhạy cảm với môi trường sống, chỉ một lượng nhỏ chất hóa học cũng khiến chúng suy giảm sức đề kháng, ngừng tăng trưởng và chết hàng loạt. Trải qua gần 3 năm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, người dân không còn phân bón vô cơ, thuốc BVTV trên đồng ruộng, hệ sinh thái dần được phục hồi, môi trường đồng ruộng được cải tạo, ngoài con rươi thì cáy, ốc , tôm, cá cũng đã xuất hiện nhiều hơn trên đồng ruộng.
Chị Hoàng Thị Vinh, Tổ trưởng THT sản xuất lúa - rươi thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh chia sẻ: Khi mới triển khai, nhiều hộ dân e ngại, vì nghĩ làm lúa hữu cơ vất vả, sau khi tham gia thử nghiệm vài vụ đầu thấy được lợi ích mang lại và khỏe hơn so với canh tác truyền thống. Đơn giản như việc bón phân cho ruộng, chỉ bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, cây lúa hấp thụ dinh dưỡng xong chất hữu cơ tích tụ lại ở các cánh đồng, đến vụ sau lượng phân bón giảm từ 70kg xuống còn 60, rồi 50kg mà lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, giảm được chi phí đầu tư nên bà con rất mừng. Không  chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo thơm ngon, bán được giá cao, mà mỗi vụ, bà con còn thu hoạch được con rươi, con cáy, con tôm, con cá, … bán đi cũng có thêm thu nhập từ 500-700 nghìn đồng/sào ruộng. Vì vậy, bà con nông dân trong vùng bây giờ không còn ý định bỏ ruộng mà chấp hành nghiêm túc quy trình sản xuất lúa hữu cơ, nói không với phân bón hóa học, thuốc BVTV, đồng thời mong muốn mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ để nâng cao sản lượng rươi khai thác, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
a023 ong nguyen thanh hai pct ubnd huyen dong hanh cung ba con
Phó Chủ tịch UBND Huyện Kỳ Anh Nguyễn Thanh Hải (bên phải) luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong quá trình thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi  tại xã Kỳ Khang.
Những năm gần đây, song song với chuyển đổi ruộng đất, huyện Kỳ Anh đang đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp bền vững, trong đó nhiều mô hình sản xuất liên kết, sản xuất hữu cơ được phát triển sâu rộng, tạo nên giá trị thu nhập vượt trội, từng bước thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Sau gần 3 năm triển khai, đến nay huyện đã xây dựng được hơn 32ha lúa hữu cơ. Riêng với mô hình Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên  tại thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) từ 5ha nay đã quy hoạch vùng lên 17ha và tiến tới sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi lên 25ha toàn huyện. Cùng với đó, huyện đang tiếp tục vận dụng mọi nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tái tạo và khai thác rươi, cáy đúng kỹ thuật; liên kết với doanh nghiệp để vừa phát triển mô hình sản xuất, vừa xây dựng thương hiệu gạo - rươi của huyện Kỳ Anh.
Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sau 2 - 3 vụ không sử dụng hóa chất BVTV, phân hóa học đã làm cho đất màu mỡ, thải các chất độc hại nên cây lúa phát triển mạnh, hầu như không phải xử lý sâu bệnh, năng suất ổn định 250-280 kg/sào, bên cạnh đó, mỗi sào lúa sản xuất hữu cơ còn cho thu hoạch 20-25kg rươi và 40-50kg cáy mang lại thu nhập từ 10-15 triệu đồng. Những ruộng lúa  - rươi -  cáy tại  xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh hay xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân và nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang giúp người dân có thu nhập cao, hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 133 ha diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng khai thác rươi cáy, mang lại lợi ích kép cho nông dân. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt mở rộng thêm 57 ha tại các địa phương thuộc huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân, Thành phố Hà Tĩnh và Thị xã Hồng Lĩnh. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để tái tạo và phát triển rươi cáy tự nhiên, kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi nhận thức trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, tạo động lực để bà con nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập204
  • Hôm nay28,218
  • Tháng hiện tại686,287
  • Tổng lượt truy cập90,749,680
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây