Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc và lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cùng dự còn có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội và đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Chương trình vinh danh được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh, Nghệ An) |
Ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), UNESCO đã ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa, nâng tầm ví, giặm từ chỗ là di sản của miền đất Nghệ Tĩnh thành di sản của nhân loại, được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc bảo hộ, có giải pháp giữ gìn.
Ví, giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, xuất hiện đã hàng trăm năm, được cư dân Nghệ Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt đời thường. Bởi vậy, các lối hát ví, giặm cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, ví trèo non, ví phường cấy, giặm kể, giặm vè, giặm cửa quyền… Được trao truyền bền bỉ từ thế hệ này sang thế hệ khác, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư. Không chỉ được sản sinh trong quá trình thực hành lao động, Ví, giặm Nghệ Tĩnh còn là hình thức giải trí cộng đồng, là phương tiện nghệ thuật rất đặc trưng biểu đạt tâm tư, tình cảm, cốt cách và diện mạo người Nghệ.
Các chương trình văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc tại chương trình. |
Tổ chức UNESCO cũng khẳng định, ghi danh ví, giặm vào “danh sách đại diện” là hướng tới tạo sự lan tỏa, khuyến khích sự khoan dung, đồng cảm giữa các cộng đồng, tạo nên sự đối thoại, giao lưu văn hóa. Theo kiểm kê trước lễ vinh danh, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi ở 26 huyện, thị, thành phố thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện tại, hai tỉnh có hơn 100 CLB dân ca ví, giặm cùng 803 nghệ nhân.
Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Dân ca ví, giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm vui chung của nhân dân của cả nước, là niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Từ đây dân ca Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại.
Đông đảo người dân tham gia lễ vinh danh |
Dân ca ví, giặm là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nghệ Tĩnh. Dân ca ví, giặm đã kế thừa, nâng cao, truyền tải những ca từ, thể hiện tình yêu quê hương, con người, thể hiện cốt cách con người Nghệ Tĩnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cảm ơn UNESCO đã vinh danh dân ca ví, giặm là di sản phi vật thể của nhân loại, cảm ơn các bậc tiền nhân, các nghệ nhân đã sáng tạo ra các làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc, để ví, giặm tiếp tục là món ăn tinh thần đầy ý nghĩa của người dân Nghệ Tĩnh...
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện của nhân loại và được các thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao.
UNESCO mong muốn chính quyền và người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca ví, giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.
Sau phần lễ trao bằng công nhận, chương trình vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với chủ đề "Về miền ví giặm" với những tiết mục dân ca đặc sắc và sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu cùng các câu lạc bộ, nghệ nhân dân gian ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã