Việc áp dụng hệ thống PACS giúp BVĐK tỉnh Hà Tĩnh giảm bớt không gian lưu trữ, thời gian truy lục, thời gian gửi hồ sơ bệnh nhân đi giữa các phòng - ban, giữa bệnh viện với bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm, công nghệ hiện đại vào thăm khám, điều trị. Nổi bật trong số đó là áp dụng hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa) giúp cho việc chụp hình ảnh không in phim, giảm bớt không gian lưu trữ, thời gian truy lục, gửi hồ sơ bệnh nhân đi giữa các phòng - ban, giữa bệnh viện với bệnh viện. Dữ liệu hình ảnh, thông tin liên quan đến bệnh nhân được nhiều chuyên gia, bác sỹ truy cập đồng thời trên máy tính một cách dễ dàng.
Bác sỹ Hoàng Quang Trung - Giám đốc bệnh viện cho biết: "Đơn vị cũng đang sử dụng hiệu quả hệ thống bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám, chữa bệnh (KCB); vận hành hệ thống hội chẩn trực tuyến; modul kê đơn thuốc điện tử liên thông với cổng đơn thuốc điện tử của Bộ Y tế…
Các ứng dụng này đã góp phần cắt giảm thủ tục, thời gian chờ đợi cho người bệnh, chẩn đoán cho các y, bác sỹ và góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thăm khám, điều trị. Đặc biệt, gần đây, qua hệ thống hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Bạch Mai, KCB từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hàng trăm ca bệnh khó đã được chẩn đoán, lên phác đồ điều trị kịp thời”.
Theo khảo sát mới nhất, đến nay, tỷ lệ hài lòng của người bệnh khi đến với BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 97%.
Nhiều ca bệnh khó tại BVĐk tỉnh đã được hội chẩn, lên phác đồ điều trị thành công thông qua các buổi khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên.
Đối với BVĐK thành phố Hà Tĩnh, từ khi áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) thì không còn tình trạng ùn tắc bệnh nhân tại khu tiếp nhận và khám bệnh. Thời gian chờ khám của bệnh nhân đã giảm hơn một nửa so với trước đây.
Việc đón tiếp bệnh nhân tại BVĐK thành phố Hà Tĩnh đã được triển khai nhanh gọn hơn nhờ phần mềm quản lý bệnh viện (Ảnh tư liệu).
Được biết, ngoài BVĐK thành phố Hà Tĩnh, hiện nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh cũng đều đã đưa vào sử dụng hiệu quả phần mềm HIS.
Nhiều bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong việc xếp hàng, lấy số tự động, ứng dụng mã vạch… nhằm giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, đảm bảo chính xác tối đa trong việc tiếp nhận, trả kết quả cho bệnh nhân…
Đến nay, 100% nhà thuốc trên địa bàn Hà Tĩnh đã cài đặt phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc và kết nối liên thông, cập nhật dữ liệu lên hệ thống quản lý dược quốc gia.
Theo thông tin từ Sở Y tế, việc ứng dụng CNTT không chỉ được chú trọng tại các bệnh viện mà còn được ngành tập trung triển khai toàn diện từ y tế dự phòng, quản lý dược cho tới các trạm y tế. Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân thông qua phần mềm quản lý. Đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn ứng dụng phần mềm quản lý KCB, trên 95% số người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Ngoài ra, hiện nay, các phần mềm quản lý về tiêm chủng mở rộng, quản lý KCB tại trạm y tế; các phần mềm quản lý an toàn thực phẩm, nhân lực y tế, tài chính, trang thiết bị, kê đơn thuốc điện tử, quản lý nhà thuốc, quầy thuốc, phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, báo cáo thống kê y tế (DHIS2)… đều được 100% đơn vị trong ngành cập nhật và ứng dụng rộng rãi, hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế kiểm tra việc triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe tại trạm y tế xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn) vào tháng 5/2020.
Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định: “Hướng đến sự hài lòng của người dân, ngoài việc cán bộ toàn ngành nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ, cần có hệ thống y tế thông minh thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT.
Đến nay, ngành Y tế Hà Tĩnh đã có mạng lưới quản lý đồng bộ, khoa học, hiệu lực, hiệu quả. Người dân đã được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu, hoạt động y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh ngày càng được nâng cao và năng lực, chất lượng thăm khám, điều trị tại các cơ sở KCB nâng lên rõ rệt”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã