Hà Tĩnh đang vào giai đoạn nước rút vụ sản xuất hè thu (HT) 2017. Tuy nhiên do đợt “bão” bệnh đạo ôn cổ bông nên việc chỉ đạo sản xuất vụ HT ở cơ sở có phần lúng túng, còn người nông dân hoang mang, lo lắng vì phải thay thế giống lúa nhiễm bệnh bằng các giống lúa khác không mấy vượt trội.
Thạch Hà và Đức Thọ là 2 huyện được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt sản xuất cánh đồng lớn với quy mô 50ha trở lên/cánh đồng. Từ năm 2011 đến nay, các địa phương trên đã lựa chọn một vài giống lúa chất lượng cao như VTNA2, Thiên ưu 8 để chỉ đạo sản xuất diện rộng, tập trung trên một cánh đồng, thế nhưng “cú sốc” dịch bệnh vụ xuân vừa qua khiến chính quyền và người dân lao đao.
Ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, nói: “Chúng tôi sản xuất cánh đồng lớn là để thuận lợi cho việc canh tác, phòng trừ dịch bệnh, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân nhưng việc mất mùa vừa qua đã khiến kế hoạch sản xuất bị đảo lộn. Giống chủ lực Thiên ưu 8 bị nhiễm đạo ôn vụ đông xuân khiến chúng tôi lúng túng trong chỉ đạo ở vụ mùa này. Nếu thay thế Thiên ưu 8 bằng giống Khang dân và HT1 cũng chỉ tạm thời vì các giống lúa này năng suất, chất lượng chỉ tầm tầm”.
Theo ông Hà, vụ HT 2017 Thạch Xuân sản xuất 525ha lúa; trong đó 100ha ở thôn Tân Thanh và Đông Sơn quy hoạch sản xuất cánh đồng lớn; các thôn còn lại làm cánh đồng mẫu một giống (mỗi cánh đồng 20 - 30ha) nhưng do bộ giống chủ lực gặp sự cố nên xã phải điều chỉnh cơ cấu (dù biết vụ mùa áp lực đạo ôn không cao), diện tích sản xuất cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu một giống ước chỉ đạt khoảng 200ha.
Chung cảnh ngộ, nông dân xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, cũng chạy đôn chạy đáo tìm các loại giống mới cho đồng ruộng của mình. Ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó chủ tịch UBND xã cho hay, 2,5 tấn giống hỗ trợ thiệt hại vụ xuân đã được chuyển thẳng về cho bà con nông dân. Vụ HT này, Cẩm Huy chỉ tập trung 3 loại giống chính là VTNA2, Khang dân đột biến và Khang dân 18, ngoài giống hỗ trợ xã cũng giao Hội nông dân hợp đồng mua giống để kịp thời cung ứng cho bà con sản xuất kịp thời vụ.
Được biết, thời điểm Sở NN-PTNT triển khai đề án sản xuất vụ HT 2017, Thiên ưu 8 vẫn là lựa chọn số 1 cho sản phẩm lúa hàng hóa nhưng do sự cố dịch bệnh nên các địa phương tạm dừng cơ cấu giống lúa này trong vụ HT để chờ xác định nguyên nhân. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ bà con bị thiệt hại 400 tấn giống để tránh tình trạng thiếu giống nhưng vì phải thay thế bộ giống bất đắc dĩ nên hàng nghìn ha chuẩn bị cho những cánh đồng một giống chất lượng đành dừng lại.
Nhiều diện tích đối mặt nguy cơ bỏ hoang |
Theo đó, giống lúa chủ lực được cơ cấu trong vụ HT chỉ còn lại: VTNA2, XM12, Khang dân18, Khang dân đột biến, PC6, TH3-3, TH3-5, HT1, BT7, Nếp 98, Nếp 87. Trong các giống trên, hầu hết đều là những giống năng suất, chất lượng trung bình và khá cũ, thậm chí có những giống đã có mặt trên 10 năm như: XM12, Khang dân18, HT1. Trong khi đó, một số giống chất lượng mà lâu nay tỉnh đang tạo điều kiện để chọn lọc như BQ, N25, OM4218 đã thể hiện những ưu việt nhất định, song vẫn ở giai đoạn sản xuất thử.
Việc thiếu hụt giống mới, chất lượng cao trong bộ giống chủ lực sẽ là áp lực lớn cho mục tiêu xây dựng 20.000ha lúa hàng hóa, chất lượng, chiếm khoảng gần 50% diện tích lúa HT toàn tỉnh.
Vụ HT 2017 Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất hơn 44.000ha lúa; hiện đã có 900 tấn giống cung ứng cho bà con; trong đó 400 tấn từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, 500 tấn do các Cty cung ứng (đủ sản xuất khoảng 50% diện tích); số còn lại phụ thuộc vào giống do dân để. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã