Đến với những cánh đồng lúa hữu cơ
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi cùng đoàn công tác của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đi kiểm tra thực tế trên một số cánh đồng lúa hữu cơ được thí điểm đầu tiên trên đồng ruộng Hà Tĩnh, do Tổng Công ty Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh chuyển giao, phát triển trên địa bàn các huyện: Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh.
Những ngày này ở miền Trung đang vào thời kỳ cao điểm nắng nóng gay gắt, có lúc lên tới trên 40C nhưng nhìn những cánh đồng lúa hữu cơ như những thảm xanh màu lục diệp, phảng phất đưa hương đồng nội hứa hẹn một vụ hè thu hữu cơ gần hiện diện. Đây là tín hiệu vạn sự khởi đầu cho định hướng sản xuất một nền nông nghiệp sạch, hướng tới một nông nghiệp hữu cơ bền vững trên đồng đất Hà Tĩnh mà Nghị quyết tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.
Đến với cánh đồng hữu cơ Kỳ Giang, theo báo cáo của Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, xã Kỳ Giang được đầu tư chuyển giao thực hiện cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ liền vùng 20ha do Tổng Công ty Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Sông Gianh chuyển giao, ông Nguyễn Xuân Linh thôn 4, xã Kỳ Giang nhận sản xuất 4 sào ruộng lúa hữu cơ vui mừng nói: “Nông dân chúng tôi rất phấn khởi khi được cán bộ Tổng công ty Sông Gianh đưa sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh về hướng dẫn bà con nông dân chúng tôi để sản xuất ra giá trị nông nghiệp hữu cơ. Bón loại phân này chúng tôi rất an tâm cho sức khỏe, bởi từ đầu vụ đến nay lúa đã trổ bông mà không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, lúa vẫn phát triển xanh tốt, đẻ nhánh nhiều. Nông dân chúng tôi rất phấn khởi bởi không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu nữa. Tới đây thu hoạch chắc chắn sẽ có gạo hữu cơ sạch để ăn, bán ra thị trường nâng giá trị thu nhập cho nông dân”.
Rời xã Kỳ Giang, chúng tôi đến xã Cẩm Thành, huyện (Cẩm Xuyên), tại đây, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Lý - Trung tâm khuyến nông tỉnh được phân công trực tiếp phụ trách cánh đồng hữu cơ tại đây cho biết: "Xã Cẩm Thành được phân chia sản xuất 20 ha liền vùng. Đến nay có thể khẳng định, lúa phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều, nông dân rất tin tưởng, chỉ còn trong vòng 1 tháng nữa là thu hoạch, nhưng nông dân chưa hề phải sử dụng thuốc trừ sâu nào kể cả thuốc diệt cỏ".
Một cán bộ khuyến nông huyện Cẩm Xuyên cũng phấn khởi cho rằng, mặc dù quy trình SX công hữu cơ phải đầu tư nhiều công sức hơn so với sản xuất vô cơ, nhưng loại trừ dần thuốc trừ sâu ra khỏi đồng ruộng, sức khỏe người dân được bảo vệ. Tuy năng suất có giảm một phần nhưng giá trị kinh tế lại cao, bởi gạo hữu cơ Quảng Trị cùng SX trên một giống lúa (RVT) của Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, chế biến bán ra thị trường giá trị 45 ngàn đồng/kg, trong lúc đó cùng giống (RVT) SX phân bón vô cơ đại trà ra thị trường giá bán chỉ có từ 12-15 ngàn đồng/kg. Vì thế khi xu hướng phát triển sản phẩm hữu cơ trên các sản phẩm nông nghiệp là điều tất yếu, nông dân sẽ đồng tình, ủng hộ theo đề án SX này.
Đến với những cánh đồng lúa hữu cơ các huyện Thạch Hà, Đức Thọ đều phát triển tốt. Lão nông Nguyễn Văn Xuyên thôn 5, xã Thạch Liên đứng giữa ruộng lúa hữu cơ nói: "Khi được tiếp thu công nghệ sản xuất lúa hữu cơ nông dân chúng tôi buổi đầu khá bỡ ngỡ, bởi từ trước tới nay tập quán SX đại trà quen lối thậm chí được chăng hay chớ. Thế nhưng khi bắt tay vào SX canh tác hữu cơ thực tế cho thấy, phải thực hiện nghiêm ngặt mọi quy trình kỹ thuật theo công nghệ chuyển giao từ khâu làm đất, bón phân, lựa chọn giống, tuân thủ lịch trình thời vụ. Nông dân tăng thời gian ra thăm đồng để chăm sóc nhổ cỏ…nói tóm lại thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chuyển giao, chỉ cần bón loại phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh này lúa sẽ đảm bảo xanh tốt, đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với tập quán SX đại trà bao đời nay.
Khi doanh nghiệp với nông dân một nhà
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Sông Gianh Cao Ngọc Anh cho biết: “Tổng công ty Sông Gianh là đơn vị tiếp nhân quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thành công đầu tiên trên cả nước. Công nghệ này do GS-TS Phạm Văn Hữu một Việt kiều yêu nước sống tại Canada về nước chuyển giao cho Tổng công ty phân bón Sông Gianh từ những năm năm 1991. Sau 30 năm phát triển Sông Gianh đã SX ra nhiều loại phân bón có giá trị phục vụ cho công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần đưa cuộc sống nông dân, nông thôn lên một tầm cao mới.
Nói về đầu tư công nghệ SX nông nghiệp hữu cơ tại Hà Tĩnh ông Cao Ngọc Anh cho biết: "Khi về đầu tư chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng sản phẩm phân bón Sông hữu cơ vi sinh Sông Gianh tại Hà Tĩnh, chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ UBND tỉnh, Sở NN-TNT, Trung tâm khuyến nông tỉnh, huyện, xã xuống tận người nông dân. Mặc dù quy trình sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt về quy trình SX hơn, nhưng đối với nông dân Hà Tĩnh họ vẫn tin tưởng. Đây cũng là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông để tạo thành vùng thâm canh sản xuất nông nghiệp sạch gắn với bao tiêu sản phẩm trọn gói cho nông dân, nên người dân rất phấn khởi an tâm SX. Với đà này sau 3 vụ SX thể nghiệm chắc chắn nông dân Hà Tĩnh sẽ đạt được tiêu chuẩn từ sản phẩm nông nghiệp sạch, chạm mốc gạo hữu cơ Hà Tĩnh trên mọi thị trường trong và ngoài nước”.
Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trí cho biết: "Vụ hè thu 2020, Trung tâm khuyến nông tỉnh trực tiếp phối hợp với Tổng công ty Phân bón Sông Gianh triển khai sản xuất trên diện tích 80ha lúa theo hướng nông nghiệp sạch. Phía doanh nghiệp đầu tư phân bón hữu cơ vi sinh, các loại phân bón hữu cơ qua lá cao cấp… chuyển giao ứng dụng KHKT từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch trọn gói. Đến thời điểm này hầu hết số diện tích canh tác trên đều phát triển tốt, đạt yêu cầu đề ra. Cũng theo ông Trí, còn khoảng trong vòng 2 tuần trở lại (cuối tháng 7 này) nếu thời tiết ổn định thì số diện tích canh tác trên chắc chắn sẽ cho kết quả khả quan.
Với thành công bước đầu hướng dẫn cho nông dân tiếp cận với mục tiêu SX nông nghiệp sạch, định hướng sau 3 vụ sản xuất sẽ bắt tay xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Hà Tĩnh” tạo chuổi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.
Theo Kiều Thanh/thoibaoviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã