Bên cạnh cung cấp thỏ lấy thịt cho các nhà hàng, siêu thị, anh còn cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu đầu ra cho các cơ sở chăn nuôi thỏ trên địa bàn huyện Phú Ninh và các địa bàn lân cận như Núi Thành, Quảng Ngãi, Bình Định…. Nhớ lại giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào nuôi thỏ, Ninh thành thật chia sẻ: “Nuôi thỏ dễ nhưng không dễ. Dễ với những người đã nắm bắt được tập tính sinh hoạt, kỹ thuật chăn nuôi. Để có được những điều này, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì theo dõi thỏ ở giai đoạn đầu và cần có thêm đam mê, nếu không sẽ dễ dẫn đến chán nản khi gặp khó khăn”. Từ nguồn vốn vay mượn bạn bè, Ninh mạnh dạn mua 30 con thỏ giống New Zealand và xây dựng cơ sở chuồng trại hết 20 triệu đồng. Mọi khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua khi những con thỏ anh mua về dần dần chết đi, đặc biệt là thỏ con mới sinh. Không nản chí, anh tìm mọi cách từ tra cứu sách báo, internet đến học hỏi những người có kinh nghiệm… về kỹ thuật chăn nuôi thỏ. Bên cạnh đó, anh luôn túc trực tại chuồng trại ngày đêm để có thể hiểu kỹ hơn về tập tính sinh hoạt cũng như để theo dõi các triệu chứng bệnh. Sau 3 tháng, mọi cố gắng đã được đền đáp, số lượng thỏ chết ngày càng giảm, anh tăng dần số lượng thỏ nuôi lên đến hàng trăm con.
Với kinh nghiệm tích lũy được, Ninh đã gặt hái thành công với mô hình chăn nuôi thỏ - Ảnh: N.A
Bên cạnh việc nắm vững các kỹ thuật nuôi thỏ để tăng số lượng thì vấn đề tìm kiếm đầu ra cũng là khâu quan trọng được Ninh chú trọng. Từ chỗ bán với số lượng nhỏ lẻ ở các quán nhậu, đến nay anh đã kết nối được với nhiều nhà hàng lớn nhỏ có nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ số lượng lớn. Ninh cũng đã ký kết hợp đồng cung cấp 40kg thịt thỏ/ngày cho siêu thị Metro Đà Nẵng. Từ chỗ nuôi thỏ để lấy thịt, khi đã dần ổn định và kết nối được với thị trường, Ninh dần chuyển sang cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp bột thỏ và bao tiêu đầu ra cho các cơ sở chăn nuôi. Ninh cho biết, trung bình thỏ đẻ 6 - 10 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con. Với giá bán hiện tại dao động 90 - 150 nghìn đồng/kg, mỗi tháng anh thu về 10 - 15 triệu đồng tiền lãi, chưa kể thu nhập từ việc làm đầu mối thu mua thỏ. Để đảm bảo đủ số lượng thỏ cung cấp đều đặn cho các nhà hàng, siêu thị, anh phải thu mua thỏ tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Bình, Hòa Bình… Hiện tại, Ninh đang mở rộng chuồng trại để nuôi thêm 20 thỏ nái. “Có đầu ra ổn định nhưng số lượng thỏ lại không đủ để đáp ứng nên tôi đang mở rộng thêm chuồng trại, dự kiến sẽ nuôi thêm 20 con thỏ nái nữa” - Ninh nói.
Không chỉ biết cách làm giàu cho chính mình, Ninh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người để giúp nhân rộng mô hình, cải thiện thu nhập. Vừa qua, Huyện đoàn Phú Ninh, Hội Cựu chiến binh xã Tam Lãnh đã đến tham quan chuồng trại nuôi thỏ của Ninh với mong muốn học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã