Ông Phạm Văn Gôm, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Tây, tâm tình: “Kinh tế chủ lực của xã là SX nông nghiệp, trong đó địa phương chú trọng phát triển chăn nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản. Đồng thời, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển đàn bò cả về số lượng lẫn chất lượng, gắn với tái cơ cấu ngành chăn nuôi”.
Ông Phạm Văn Gôm, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Tây |
Theo ông Gôm, xã đang tập trung lãnh đạo hai lĩnh vực chủ chốt, là trồng lúa và chăn nuôi bò, từ đó góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập. Toàn xã An Bình Tây hiện có 6.335 con bò (lũy kế 6.049 con), đạt 104,7% kế hoạch năm. Trong đó, đàn bò sữa có 256 con.
Ông Nguyễn Văn Quyền 44 tuổi, ngụ xã An Bình Tây, cho biết: “Gia đình tôi có 12 con bò thịt và 2 con bò sinh sản. Ngoài việc nuôi bò, tôi còn trồng lúa và trồng cỏ nên kinh tế rất ổn định. Lúa sau khi thu hoạch lúa, tận dụng rơm để làm thức ăn cho bò và có dư để bán, phát triển kinh tế gia đình”.
Theo ông Quyền, nuôi bò cho thu nhập rất cao, mỗi con sau khi bán lãi gần 10 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, phân bò được thu gom lại, phơi khô sau đó bán cho thương lái, bón cho cây trồng. Thấy việc nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên người dân địa phương rất đồng tình.
Đến nay, xã An Bình Tây đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 hoàn thành 14/19 tiêu chí, đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 89%.
Bà Nguyễn Thị Cúc 52 tuổi, ngụ ấp An Phú, xã An Bình Tây, cho biết: “Chính quyền rất quan tâm đến SX nông nghiệp. Xác định thế mạnh của địa phương là nông nghiệp, thì việc dựa vào nông nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân là điều cần thiết, nên làm, nhất là trong quá trình xây dựng NTM như hiện nay”.
Về cơ bản, hệ thống đường giao thông nông thôn của xã An Bình Tây đã phủ khắp, toàn xã có trên 33km đường được xây dựng khang trang, kiên cố. Trong đó, trục đường liên xã 8,05km, trục ấp, liên ấp 9,11km, đường liên xóm 14,35km và 2,5 km đường từ khu dân cư ra đồng ruộng.
Bên cạnh đó, xã An Bình Tây có trên 82% tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, 6/6 ấp có hệ thống loa phát thanh, có 1 bưu điện và 5 điểm truy cập internet, đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin, giải trí của người dân trên địa bàn.
Đường vào xã An Bình Tây được người dân trồng nhiều hoa kiểng |
Chị Văn Thị Hằng 30 tuổi, ngụ xã An Bình Tây, vui vẻ: “Mạng internet bây giờ phủ sóng khắp xã, cần truy cập tìm kiếm thông tin gì, chỉ cần lên mạng dò tìm là có ngay. Mỗi khi tôi có nhu cầu gửi quà cho người thân ở xa, thì chỉ cần đến bưu điện là được đáp ứng, nhân viên rất niềm nở, nhiệt tình”.
Nhiệm vụ then chốt của xã là việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành và lồng ghép vào việc xây dựng NTM. Đời sống người dân được nâng cao, đường sá đi lại dễ dàng, thuận tiện và diện mạo nông thôn khởi sắc là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình Tây hướng đến.
Sự thay da, đổi thịt của An Bình Tây là nhờ có sự quan tâm, sâu sát của các cấp, các ngành trong việc triển khai, xây dựng NTM. Tại các xóm ấp nơi đây, biết bao con đường được bê tông hóa, khang trang mọc lên, những hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng. Tất cả thể hiện 1 vùng quê đang ngày càng đổi mới. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã