Học tập đạo đức HCM

Ấn tượng Hiệp Hòa

Thứ hai - 29/01/2018 10:57
Chỉ riêng trong năm 2016, đã có thêm 8 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn huyện, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ ba ngàn tỷ đồng...

Trên đường đô thị hóa

Sau Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức giữa tháng 8/2017, tôi nung nấu ý định lên thăm lại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Nguyên do là bởi trong chương trình được VTV1 truyền hình trực tiếp vào “giờ vàng” hôm đó, huyện Hiệp Hòa có anh nông dân Tô Hiến Thành là một trong 87 nông dân trong cả nước được tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao danh hiệu cao quý trên đây cho mỗi người.

Mô hình trồng rau xuất khẩu ở HTX Hoàng Lương (Hiệp Hòa-Bắc Giang)

Ông Tô Hiến Thành là cựu chiến binh đã sắp chạm tuổi 60, hiện đang là Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Trường Thành tại thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa. Cơ sở sản xuất của ông có tổng diện tích hơn 5 héc-ta, sử dụng trên 50 lao động, chủ yếu chăn nuôi lợn thịt sử dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn hữu cơ Organic.

Mỗi năm Hợp tác xã Trường Thành xuất khoảng 1.000 tấn thịt, doanh thu xấp xỉ 12 tỷ đồng. Hàng năm ông Tô Hiến Thành còn tham gia đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn hàng trăm triệu đồng.

Một nông dân dám nghĩ, dám làm giàu và có ý thức cộng đồng như thế quả là xuất sắc. Nhưng điều tôi kinh ngạc là vì sao trong lúc ngành chăn nuôi lợn thịt cả nước đang lao đao vì rớt giá, khiến có lúc chuyện “giải cứu lợn” làm nóng cả diễn đàn Quốc hội, vậy mà một nông dân dám vay hàng chục tỷ đồng để phát triển đàn lợn thương phẩm mấy ngàn con, thường xuyên ổn định đầu ra với giá cả nhỉnh hơn giá thị trường tại địa phương. Đó là lý do khiến tôi tìm về Hiệp Hòa để trăm nghe không bằng một thấy.

Tròn 5 năm mới trở lại Hiệp Hòa, ấn tượng về một miền quê văn hiến và anh hùng lại ùa về, xen trộn với những cảm xúc mới mẻ về một vùng đất đang chuyển mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Hiệp Hòa nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của tỉnh Bắc Giang, ba bề tiếp giáp với 3 trung tâm công nghiệp lớn là Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội. Nhắc lại điều đó để nhớ rằng “tạo hóa” đã ban tặng cho Hiệp Hòa một vị thế hết sức đắc địa để phát triển.

Tuy nhiên tôi vẫn không khỏi xuýt xoa trước những thay đổi nhanh chóng của Hiệp Hòa về cơ sở hạ tầng - nhất là các công trình giao thông kết nối huyện nhà với các tuyến cao tốc quốc gia và kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp được hình thành trong dăm năm gần đây.

Đến nay, toàn huyện đã hình thành 7 cụm công nghiệp đã được thành lập, xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích mặt bằng trên 320 héc-ta, hai phần ba số diện tích ấy đã được “lấp đầy” bởi các doanh nghiệp sản xuất và gia công các linh kiện điện tử, dệt may, gốm sứ và các loại vật liệu xây dựng, thu hút trên hai chục ngàn lao động là con em trong huyện.

Chỉ riêng trong năm 2016, đã có thêm 8 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn huyện, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ ba ngàn tỷ đồng, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và kinh doanh trên toàn huyện lên con số 385, với tổng số thuế nộp chiếm 15% tổng thu ngân sách trên địa bàn...

Thời sự nhất là câu chuyện Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa đang phấn đấu xây dựng và phát triển huyện nhà thành Đô thị loại III theo định hướng trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Đề án Quy hoạch chung Đô thị Hiệp Hòa-tỉnh Bắc Giang vừa được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn của Bộ Xây dựng hoàn chỉnh cuối tháng 9 vừa qua và đã được nghiệm thu.

Cũng cần nói thêm, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng và các khu chức năng đô thị đã được Hiệp Hòa quan tâm đầu tư, làm cơ sở để thị trấn Thắng-thị trấn huyện lỵ-và vùng phụ cận đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Theo Đề án Quy hoạch chung Đô thị Hiệp Hòa-tỉnh Bắc Giang trên đây, khu vực sẽ phát triển thành nội thị của đô thị Hiệp Hòa bao gồm thị trấn Thắng và 12 xã phụ cận, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 12 ngàn héc-ta, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên của toàn huyện...

Nhân viên HTX Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa-Bắc Giang) thụ phấn cho dưa vàng trồng trong nhà màng

Phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Tôi chưa có dịp được tham quan các điển hình về tốc độ phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa ở nhiều địa phương, nhưng ấn tượng nhất của tôi ở Hiệp Hòa là trong khi phấn đấu để được “lên hạng” về đô thị, huyện vẫn hết sức coi trọng khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chất lượng cao; coi đó như là “bản sắc” của nông thôn hiện đại.

Nhờ thế, mặc dù những năm gần đây huyện đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng và giảm dần tỷ trọng các ngành nông-lâm-thủy sản; nhưng Hiệp Hòa lại là một “điểm sáng” của tỉnh Bắc Giang về các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Và một trong những mô hình tiên tiến ấy là ông cựu chiến binh Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Trường Thành, người vừa được tôn vinh là một trong 87 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới” mà tôi vừa kể trên đây.

Thật tiếc là lần này lên Hiệp Hòa tôi lại không gặp được ông chủ của Hợp tác xã chăn nuôi Trường Thành, vì một hợp đồng làm ăn lớn đã kéo ông vào thành phố Hồ Chí Minh từ hai hôm trước. Nhìn vẻ mặt thất vọng và tiếc rẻ của tôi, Chủ tịch UBND huyện, Thạc sĩ kinh tế “8x” Phạm Văn Thịnh động viên: Hiệp Hòa còn mấy mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển rất khá.

Chẳng hạn Hợp tác xã Hoàng Lương chuyên canh rau cần, xuất khẩu sang tận Hàn Quốc để làm món Kim chi nổi tiếng. Bưởi Diễn của Hợp tác xã Lương Phong chinh phục thị trường Hà Nội. Gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Thái Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ độc quyền. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Đồng Tâm 3 mỗi năm 3 vụ sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu theo đơn đặt hàng của chuỗi siêu thị Big C miền Bắc...

Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Vừa qua, huyện đã hỗ trợ kiên cố hệ thống kênh mương và lựa chọn chế phẩm xử lý môi trường để hình thành vùng sản xuất rau cần Hoàng Lương quy mô 200 héc-ta, trong đó một nửa diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích lúa nếp cái hoa vàng ở hai xã Thái Sơn và Mai Trung đã được mở rộng nhờ dồn điền đổi thửa.

Hơn 130 héc-ta bưởi hiện có của các xã Lương Phong và Ngọc Sơn được chú trọng bảo tồn nguồn gen và nâng cao chất lượng thông qua việc xây dựng quy trình thâm canh hiện đại, ứng dụng chế phẩm sinh học và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, huyện cũng từng bước đưa cơ sở ấp nở gia cầm tại huyện đạt khoảng 5 triệu con giống mỗi năm, trở thành trung tâm cung cấp giống của toàn tỉnh...

Vậy là, trong lúc theo đuổi mục tiêu “Đô thị loại III”, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là ngành kinh tế quan trọng đối với Hiệp Hòa. Chủ tịch Phạm Văn Thịnh diễn giải: Với vị trí nằm ở phía Đông-Bắc của Vùng Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội chỉ sáu chục cây số, Hiệp Hòa có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao để cung cấp cho Thủ đô.

Trên nền sản xuất nông nghiệp ấy, Hiệp Hòa có thể kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái cung cấp cho thị trường Hà Nội và vùng phụ cận. Về lĩnh vực này, có thể kể thêm 687 di tích lịch sử-văn hóa đã được tỉnh và Trung ương xếp hạng; ngoài ra còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với hơn 80 lễ hội cũng là một tiềm năng du lịch rất phong phú và hấp dẫn...

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập269
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại820,473
  • Tổng lượt truy cập90,883,866
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây