Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang triển khai hiệu quả một số mô hình thử nghiệm trồng dưa vân lưới trong nhà lưới, nhà màng ở các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ. Với phương pháp canh tác mới này, năng suất dưa cao gấp khoảng 2 lần so với bình thường (đạt khoảng 40 - 50 tấn/ha/vụ), thu lãi trung bình 400 - 500 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2 - 2,5 lần so với phương pháp canh tác ngoài đồng ruộng.
Dưa an toàn trồng trong nhà màng
"Dưa lưới là loại cây chịu nhiều tác động từ khí hậu, sâu bệnh, côn trùng... Do vậy, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng có thể sản xuất dưa lưới cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm", anh Đỗ Văn Hùng ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu), một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh Hưng Yên mạnh dạn đưa cây dưa lưới vào trồng, cho biết.
Năm 2016, sau khi bảo vệ xong Luận văn Thạc sỹ Kinh tế ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Đỗ Văn Hùng quyết định trồng dưa lưới và dưa kim cô nương theo công nghệ Israel.
Nhận thức được việc sản xuất thực phẩm an toàn sẽ giúp sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường và tăng giá trị sản phẩm nên ngay từ trước khi trồng, anh Hùng đã đi tìm hiểu kỹ càng về kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc cây dưa lưới, dưa kim cô nương. Anh mạnh dạn đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để xây dựng 2.000m2 nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Trong suốt quá trình chăm sóc cây từ lúc mới xuống giống đến khi thu hoạch, anh chỉ tưới nước và chất dinh dưỡng cho cây là đạm và lân. Trồng trong nhà lưới nên cây ít bị sâu bệnh hại, anh chỉ dùng thuốc vi sinh để xử lý mà không phun bất kỳ loại thuốc hóa học nào. Trước khi thu hoạch dưa 15 ngày, anh dừng bổ sung tất cả mọi loại chất dinh dưỡng và thuốc vi sinh mà chỉ tưới nước cho cây để bảo đảm thời gian cách ly quả trước khi đưa ra thị trường.
Hơn một năm qua, Hợp tác xã (HTX) rau sạch và thương mại Phú Thịnh (Kim Động) đã đưa cây dưa lưới vào trồng trên diện tích 600m2.
Ông Nguyễn Văn La, Giám đốc HTX cho biết: “Dưa lưới ở đây được trồng trong nhà kính, tứ bề có màng chắn ngăn côn trùng. Dưa được trồng thành từng luống, mỗi luống hai hàng và tưới bằng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới văng tùy theo từng độ tuổi của cây và điều kiện thời tiết. Với quy trình sản xuất như vậy, không chỉ mang lại sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn bảo đảm an toàn cho chính người sản xuất”.
Cung không đủ cầu
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các loại dưa lưới, dưa kim cô nương đang được trồng ở Hưng Yên là những loại cây thuộc họ Bầu bí, có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao. Dưa có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh, thường thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch 85 - 90 ngày (tùy vào giống). Năng suất dưa nếu canh tác tốt có thể đạt bình quân 50 tấn/ha/vụ.
Anh Đỗ Văn Hùng nhẩm tính: “Dưa trồng sau 2,5 - 3 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch, với điều kiện trên 2000m2, sản lượng dưa bình quân mỗi vụ của gia đình tôi đạt trên 6 tấn quả nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Tôi xuất bán cho công ty thu mua với giá 32.000 – 35.000 đồng/kg cho thu nhập trên 200 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho lãi 120 – 130 triệu đồng mỗi vụ. Mỗi năm tôi có thể trồng được 3 vụ dưa bởi trồng trong nhà lưới không bị ảnh hưởng lớn của thời tiết, sâu bệnh. Vụ này, tôi tiếp tục đầu tư trên 1 tỷ đồng để mở rộng gấp đôi diện tích nhà lưới lên 5000m2 để trồng toàn bộ dưa lưới”.
Ông Nguyễn Văn La, Giám đốc HTX rau sạch và thương mại Phú Thịnh cho biết: “Với 1000 cây dưa lưới, vụ vừa rồi chúng tôi thu được sản lượng trên một tấn quả, bán với giá 25.000 – 50.000 đồng/kg. Dưa lưới có mẫu mã đẹp mắt, mùi thơm, vị ngon ngọt được thị trường ưa chuộng nên dù giá bán cao nhưng sản phẩm chúng tôi làm ra đến đâu đều được thu mua hết đến đó, thậm chí “cháy hàng” không đủ để cung cấp ra thị trường”.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết: “Dưa lưới là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nếu như người dân đầu tư cơ sở hạ tầng và nắm được quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây tốt. Cây dưa lưới có nhu cầu về dinh dưỡng rất cao nên nó đòi hỏi dinh dưỡng cân đối cả đa lượng, trung lượng và vi lượng theo từng thời kỳ sinh trưởng; cây không chịu được úng, không chịu được hạn, dễ nhiễm sâu bệnh, mẫn cảm với thời tiết. Vì vậy người dân nên làm nhà màng, nhà kính để hạn chế tối đa điều kiện thời tiết bất thuận, sâu bệnh hại đồng thời bảo đảm chất lượng quả”.
Theo Nguyễn Nhân
Báo Hưng Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã