Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Bà Rịa – Vũng Tàu rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động người dân. Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, tỉnh đã tổ chức các buổi tọa đàm về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cung cấp thông tin nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng
Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến nay, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh còn vận động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tại khu phố, thôn, ấp và tổ dân cư thu hút được 248.000 lượt người tham gia. Nhận và cấp phát hơn 6.000 cuốn cẩm nang hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 36.000 tờ bướm tài liệu tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các xã. Đã hỗ trợ lắp đặt 31 panô tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, phối hợp với đài phát thanh huyện và xã đã phát thanh được 125 giờ. Các cấp hội phụ nữ đã tổ chức 28 hoạt động với các mô hình thiết thực như: “Nhà sạch, đường phố không rác”, “Đoạn đường tự quản”, “Ngày chủ nhật xanh” “5 không 3 sạch”…; vận động 30.178 phụ nữ tham gia dọn dẹp đường làng, khu phố, vận động 02 hộ gia đình hiến 64 m2 đất…
Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà nhiều cá nhân, hộ gia đình đã hiểu đúng, đầy đủ về mục đích và ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó chủ động, tích cực tham gia Chương trình. Nhiều gia đình đã tự nguyện tham gia hiến đất đai, hoa màu và công sức xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011-2017, toàn tỉnh đã huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư bằng hiến đất đai, hoa màu, ngày công lao động, tiền mặt với giá trị đến 1.282,1 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn huy động.
Đưa điện lưới về nông thôn
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hai tiêu chí được tỉnh coi trọng và đầu tư nhiều nguồn lực là cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập cho người dân.Trong những năm qua, các xã xây dựng nông thôn mới đã đầu tư xây dựng thêm gần 80km kênh mương thủy lợi. Đồng thời xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình đập nước và hồ chứa nhằm phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, với tổng vốn đầu tư hơn 218 tỷ đồng. Đến nay, khoảng 90,6% kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, tăng 51,2% so với trước khi xây dựng nông thôn mới. Riêng hệ thống lưới điện trung, hạ thế cơ bản đã phủ kín tại các xã xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới thường xuyên, an toàn đạt 99,65%, tăng 0,79% so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tại các xã NTM, hệ thống trường học, trung tâm văn hóa, chợ, trạm y tế… cũng được đầu tư xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, giải trí của người dân.
Làm đường giao thông nông thôn
Để tăng thu nhập cho nông dân, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo trong tỉnh đã được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, với nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá nước ngọt, nuôi bò, trồng cây ăn trái, trồng cây kiểng… Ngành nông nghiệp còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế thổ nhưỡng từng địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 20/45 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với kết quả đạt được vào cuối năm 2016. Trong năm 2017, toàn tỉnh xây dựng, nâng cấp, sữa chữa 74,46 km đường giao thông nông thôn, 3,79 km kênh mương thủy lợi, 11,77 km điện trung, hạ thế và hệ thống đèn chiếu sáng, sữa chữa nâng cấp 05 trường học. Tỉnh cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng 04 công trình về cơ sở vật chất văn hóa, xây mới và nâng cấp 109 căn nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng và nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác được đầu tư đạt chuẩn.
Thu hoạch thanh long năng suất cao
Đặc biệt thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt khoảng 38,2 triệu đồng người/năm, tăng 3,2 triệu đồng/người năm so với kết quả đạt được vào cuối năm 2016. Tổng số tiêu chí đã đạt đến nay của 45 xã là 596 tiêu chí, bình quân số tiêu chí đạt được của mỗi xã là 13,2 tiêu chí.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nỗ lực giữ vững và nâng cao các tiêu chí tại các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Triển khai các chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ khoa học công nghệ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn sản xuất… để nâng cao đời sống người dân.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã