Học tập đạo đức HCM

Bưởi Diễn lên vùng cao "xóa đói giảm nghèo"

Thứ bảy - 11/07/2015 23:45
Dù đã 3 năm liên tiếp thu hoạch bưởi Diễn mang về lãi ròng cho gia đình 300 triệu đồng/năm song ông Vũ Xuân Oanh, xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, Hòa Bình vẫn không dám tin đó là sự thật. Trước kia vẫn mảnh đất đó trồng sắn năm nào trúng đậm nhất ông thu về vẻn vẹn được 5 triệu đồng nhưng nay nhờ chuyển đổi cây trồng cuộc sống gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bưởi diễn trên vùng quê đá

Nhìn những gốc bưởi Diễn trĩu trịt quả nhiều người dân xóm Đại Đồng cứ ngỡ mình nằm mơ, bởi họ không dám tin ở vùng quê đá quanh năm thiếu nước lại có thể trồng được giống bưởi Diễn - loại quả vốn được xem là đặc sản của Thủ đô. Trước đó bưởi Diễn cũng được người dân Đại Đồng trồng từ năm 1998 nhưng chỉ trồng mang tính tự phát chưa được xem là cây chiến lược xóa đói giảm nghèo. Đến năm 2012 trồng bưởi Diễn mới thực sự nở rộ và trở thành phong trào chuyển đổi cây trồng vươn lên thoát nghèo.

Người đi tiên phong chính là gia đình anh Vũ Xuân Oanh. Dù lúc đó kinh tế gia đình anh vẫn rất khó khăn, cả gia đình sống dựa vào những vạt sắn, nương mía thế nhưng anh không ngần ngại chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn. Không có tiền mua giống anh vay tiền để mua, nhưng điều đáng lo nhất là bưởi phải 3 năm mới cho thu hoạch trong lúc ấy cả gia đình biết lấy gì mà sống. Anh bảo: Nghĩ cũng thấy sợ nhưng nếu cứ trồng sắn thì cuộc sống sẽ còn cơ cực không biết đến bao giờ mới thoát được nghèo, thế nên liều mình trồng đồng loạt 200 cây bưởi.

Sau 3 năm chăm sóc và chờ đợi cuối cùng vườn bưởi Diễn nhà anh cũng cho ra những trái ngọt đầu tiên. Tuy là năm đầu cho ra trái nhưng vườn bưởi đã cho năng suất gấp hàng trăm lần so với trồng sắn, trồng mía.

“Năm đầu tiên trừ chi phí tôi còn lãi ròng 80 triệu, năm thứ 2 số tiền lãi đã lên tới 200 triệu. Lần đầu tiên gia đình tôi có được số tiền lớn như thế này” – anh Vũ Xuân Oanh kể.

Chưa có nhiều kinh nghiệm nên gia đình anh anh Lưu Hồ Lan ở xóm Trường Sơn, xã Ngọc Lương chỉ trồng 210 cây bưởi nhưng mỗi năm cũng thu về từ 160-180 triệu đồng. “Quá nửa đời người gắn bó với nghề nông, tôi chưa bao giờ thấy sung sướng như trồng bưởi. Vốn bỏ ra không nhiều lại rất dễ trồng đặc biệt đến mùa thu hoạch thương lái tự tìm đến người dân không phải vất vả gánh ra chợ bán lẻ” – anh Lưu Hồ Lan phấn khởi nói.

Cũng theo anh Lan ban đầu giá bưởi chỉ có giá 15 ngàn đồng/quả nhưng năm 2013 và 2014 bưởi ngày càng được giá lên 30 ngàn đồng/quả, thậm chí có lúc mỗi quả lên tới 45 ngàn đồng. Giá cao nhưng hàng lúc nào cũng “cháy” nên người trồng bưởi không phải lo đầu ra.  

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm của xã Ngọc Lương đạt hơn 2.000 ha với các cây trồng chủ đạo cho hiệu quả kinh tế cao như: lạc, mía, sắn, khoai lang. Trong phát triển nông nghiệp, hiện nay Ngọc Lương là xã đi đầu, thực hiện tốt dồn điền - đổi thửa, điển hình là xóm Trường Long và xóm Hổ 2, người dân đóng góp ngày công, tiền của, hiến hơn 20.000m2 đất ruộng để xây dựng giao thông, kênh mương nội đồng, san gạt, cải tạo mặt ruộng, giá trị trên 1 tỷ đồng. Qua đó giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chấm dứt tình trạng bỏ ruộng như những năm trước, tất cả các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng ngành trồng trọt đều vượt kế hoạch năm. 

   

Xã nông thôn mới đầu tiên của huyện

Nhận thấy đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao từ 250 - 300 triệu đồng/ha,  ngay lập tức phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Thủy đã phối hợp cùng với UBND xã Ngọc Lương tiến hành nhân rộng đưa cây bưởi diễn vào quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng. Chỉ sau một thời gian ngắn xóm Đại Đồng nhân rộng được 20ha trồng bưởi.

Theo Trưởng phòng NN &PT huyện Yên Thủy Bùi Huyên, để việc trồng bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, một Tổ hợp tác về trồng bưởi Diễn đã được thành lập do anh Vũ Xuân Oanh làm tổ trưởng. “Việc thành lập tổ hợp tác đã giúp cho các hộ dân hỗ trợ được nhau về cây giống. Cụ thể như trước đây, chúng tôi phải mua cây giống từ huyện Tân Lạc với giá khoảng 50.000 đồng/cây nhưng hiện nay, hội viên trong tổ đã sản xuất được cây giống tại chỗ với giá 20.000 đồng/cây. Ngoài ra, hội viên còn trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nhiều về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi sao cho đảm bảo cả năng suất và chất lượng”- ông  Bùi Huyên cho biết thêm.

Được biết hiện nay, tổ hợp tác đang được quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho vay 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Các hội viên trong tổ được cho vay theo diện tích trồng. Với mục tiêu mở rộng diện tích cây bưởi Diễn tại xã Ngọc Lương, UBND huyện đã hỗ trợ hệ thống nước tưới, đảm bảo đủ cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích bưởi đã trồng. Song song với việc mở rộng diện tích, mục tiêu tiếp theo đang được UBND xã Ngọc Lương và tổ hợp tác trồng bưởi Đại Đồng xúc tiến đó là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi Diễn Đại Đồng ra thị trường.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ngọc Lương cũng là xã đi đầu, thực hiện tốt dồn điền - đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên những cánh đồng mẫu lớn. Hiện xã đã hoàn thành việc dồn đổi tại 6/23 xóm với tổng diện tích gần 200 ha. Qua đó giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chấm dứt tình trạng bỏ ruộng như những năm trước. Nhờ đó diện mạo nông thôn mới ở Ngọc Lương đang thay đổi từng ngày,  cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi của xã từng bước phát triển đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Hiện, toàn xã đã có 22/23 xóm có nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao là nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra các hoạt động của khu dân cư. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân người dân chỉ đạt 10,7 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2014 thu nhập bình quân đã tăng lên 22,7 triệu/người/năm. Dự kiến năm 2015 thu nhập bình quân đạt 24,0 triệu/người/năm. Với những nỗ lực đó xã Ngọc Lương là xã đầu tiên của huyện Yên Thủy cán đích về xây dựng nông thôn mới. 
         

Lê Bảo
theo 
daidoanket

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay33,475
  • Tháng hiện tại978,539
  • Tổng lượt truy cập91,041,932
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây