Là vùng đất có lợi thế để phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa kết hợp, Cà Mau đang quy hoạch hướng tới đạt sản lượng 200.000 tấn lúa hằng năm trên đất nuôi tôm. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh, sau thời gian dài triển khai thực hiện trên diện rộng, sản xuất tôm - lúa đã khẳng định là mô hình bền vững cho cả cây lúa và con tôm.
Sản xuất theo hướng liên kết
Do đã được nhiều ngành chuyên môn và các nhà khoa học đánh giá là bền vững nên tỉnh đã mạnh dạn quy hoạch nhiều vùng nhằm phát triển mô hình tôm - lúa. Theo đó, giai đoạn 2013-2015, tỉnh tiến hành đầu tư hệ thống hạ tầng và các điều kiện khác để phục vụ sản xuất cho 43.000-45.000 ha tôm - lúa. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh duy trì ổn định diện tích khoảng 45.000 ha, sản lượng lúa trên đất nuôi tôm đạt 200.000 tấn/năm.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa - tôm, năng suất lúa bình quân đạt trên 4 tấn/ha, có vùng đạt trên 5 tấn/ha. Theo đó, thu nhập bình quân của người dân cũng tăng lên đáng kể. Ðây là mô hình sản xuất kép mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh, nhận định, mô hình sản xuất lúa - tôm góp phần cải tạo tốt môi trường nuôi tôm và nhiều loại vật nuôi khác.
Tuy nhiên, một thực tế khó khăn mà nhiều năm qua mô hình lúa - tôm đang gặp phải chính là hạt lúa làm ra luôn ở giá thấp, thậm chí có thời điểm người dân không bán được. Theo anh Trần Văn Ðông, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, các thương lái đến từ An Giang, Tiền Giang và nhiều tỉnh khác đều cho là lúa sản xuất trên đất nuôi tôm hiện nay chủ yếu là các giống lúa chưa đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ða phần người dân chỉ sử dụng các giống truyền thống như Một bụi đỏ, sau nhiều năm canh tác liên tục, do dân tự để giống, lúa bị đốc (thoái hoá). Ðồng thời, lúa sản xuất trên đất nuôi tôm do bị ảnh hưởng của mặn, thường hạt gạo không no, tỷ lệ hao hụt khi xay xát cao hơn các vùng khác. Vì vậy, thương lái mua thấp hơn các vùng khác từ 200-300 đồng/kg.
Với những lợi thế và hạn chế của mô hình, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất nhằm giúp người dân giảm chi phí cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Ðặc biệt, ông Tranh cho biết, sở đang tiến hành thực hiện tái cơ cấu sản xuất lúa - tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Phấn đấu đạt diện tích 1.000 ha lúa - tôm đạt chuẩn VietGAP trong năm 2015 và 10.000 ha vào năm 2020, chủ yếu tại các huyện: U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, từng bước nâng chất cây lúa trên vùng nuôi tôm để nâng giá thành sản phẩm.
Hướng tới thương hiệu đặc sản
Xây dựng thương hiệu “gạo sạch Cà Mau” là một trong những mục tiêu mà các ngành tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo ông Tranh, ngành đang kết hợp với các sở, ngành có liên quan tạo thương hiệu gạo sạch. Nếu thành công sẽ khai thác tối đa ưu thế lớn nhất của lúa trên đất nuôi tôm. Bởi sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, người dân hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại hoá chất khác, cây lúa phát triển hoàn toàn tự nhiên, trong môi trường tự nhiên. Nếu có được thương hiệu, giá trị cây lúa trên đất nuôi tôm của người dân Cà Mau sẽ tăng lên đáng kể, bởi sử dụng sản phẩm sạch hiện nay là xu thế chung của cả thế giới.
Ðể khai thác đối đa lợi thế hiện nay của cây lúa trên vùng đất nuôi tôm, công tác khảo sát nhân giống lúa thời gian qua cũng được tỉnh chú trọng. Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau Phạm Văn Mịch khẳng định, hiện nay, trong các kho giống của trung tâm, có hàng trăm tấn lúa giống với nhiều chủng loại đảm bảo cung cấp đủ cho phần diện tích sản xuất lúa - tôm là 45.000 ha theo kế hoạch. Ðặc biệt, trong bộ giống lúa của trung tâm có một số giống cao sản đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu như ST20.
Ngoài ra, để vừa đáp ứng nhu cầu duy trì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, vừa đáp ứng tiêu chuẩn cho thương hiệu gạo sạch, ông Mịch còn cho biết thêm, mục tiêu của trung tâm là hướng tới nghiên cứu cung ứng bộ giống chất lượng, một số giống ngắn ngày, giống chịu mặn cao từ 8%o trở lên để phục vụ vùng đất đã nhiễm mặn cao. Ngoài ra, hiện nay, trung tâm đang tiến hành khảo nghiệm ST21 - giống lúa chất lượng cao, hứa hẹn tạo ra sự đột phá mạnh cho vùng tôm - lúa trên địa bàn tỉnh./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã