Trong những năm qua, phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp luôn được Tỉnh đoàn Lạng Sơn triển khai sâu rộng đến các Huyện đoàn, các đoàn viên thanh niên đã hưởng ứng nhiệt tình, nhiều đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Lý Văn Lịch, thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đang theo dõi một con lợn sắp chuyển dạ.
Điển hình đó là mô hình nuôi lợn rừng của anh Lý Văn Lịch, thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Năm 2015, sau khi hoàn hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, trong một lần tình cờ lên mạng đọc báo, anh thấy mô hình nuôi lợn rừng của một công ty ở TP Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao, vì vậy anh đã nung nấu ý tưởng nuôi loài vật này tại gia đình mình. Sau khi trực tiếp xuống thăm mô hình tại công ty, anh đã xây dựng chuồng trại và mua 18 con lợn rừng về làm giống. Do chưa có kiến thức chăn nuôi nên anh Lịch đã bị thất bại ngay từ lứa lợn đầu tiên, 12 con lợn chết do thời tiết lạnh và dịch bệnh. Không nản chí, anh lại tiếp tục khăn gói xuống công ty mua thêm 1 con lợn giống và học tập thêm kinh nghiệp.
Sau nhiều khó khăn, thất bại thì hiện nay gia đình Anh Lịch đang sở hữu hơn 100 con lợn rừng cho thu nhập cao.
Rút kinh nghiệm từ lứa đầu thất bại, sau hơn 1 năm, đàn lợn gia đình anh bắt đầu sinh sản và phát triển rất tốt, đến nay trong chuồng luôn duy trì hơn 100 con lợn rừng, hàng năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, mô hình nuôi dê núi của anh Hà Văn Trưởng, thôn Khòn Trang, xã Phú Xã, huyện Cao Lộc cũng là một mô hình thanh niên lập nghiệp. Năm 2014, nhận thấy tiềm năng thế mạnh về địa hình đồi núi của địa phương, rất thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi dê, anh đã mạnh dạn mua 20 con dê về làm giống, sau một thời gian nuôi đàn dê của gia đình anh sinh trưởng và phát triển rất tốt, đến nay sau 3 năm đàn dê gia đình anh đã có trên 70 con. Anh cho biết Dê rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bị bệnh, thích sống nơi cao ráo, thoáng mát, giá cả ổn định. Từ chăn nuôi dê mà gia đình anh có thêm khoản thu nhập thường xuyên, dê một năm đẻ hai lứa, cứ con đực anh lại đem bán, con cái giữ lại để phát triển đàn; hiện nay đầu ra của dê tiêu thụ khá dễ, tư thương đến tận nhà mua.
Đàn dê núi của Anh Trưởng hiện nay gần 100 con hàng ngày được thả lên khu vực núi đá vôi khí hậu mát mẻ, cỏ xanh tốt.
Xác định phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy trong những năm qua Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế. Với những hoạt động, chương trình cụ thể hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế được các cấp đoàn triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều mô hình kinh tế thanh niên đạt hiệu quả cao. Trong đó huyện Cao Lộc đã có 29 mô hình kinh tế thanh niên đang thực hiện và bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lăng Văn Chí - Bí thư Huyện đoàn Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết: Huyện Đoàn Cao Lộc đã thường xuyên phối hợp với các Ban ngành, đoàn thể tổ chức các lớp khởi nghiệp; các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân các vốn vay ưu đãi giúp thanh niên nông thôn có điều kiện kinh doanh, phát triển sản xuất. Hiện nay tổng dư nợ do đoàn thanh niên quản lý đạt gần 27 tỷ đồng, với 36 tổ tiết kiệm cho trên 800 hộ vay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó đã có nhiều mô hình có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ năm.
Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Lạng Sơn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn; trong đó, chú trọng giúp đỡ thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế, góp phần xây dựng phát triển kinh tế địa phương.
Theo Liễu Chang/Báo Dân Việt.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã