Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng, đây là bước khởi đầu để cây cam thành phố Hưng Yên khẳng định vị thế trên thị trường bên cạnh cây nhãn lồng Phố Hiến.
Ông Nguyễn Văn Biết, Giám đốc hợp tác xã cam Quảng Châu, thành phố Hưng Yên cho hay, từ nhiều năm nay, cây cam đã được quy hoạch thành vùng sản xuất lớn, mang lại thu nhập cao gấp 10 lần cây lúa.
Với kinh nghiệm thâm canh cao, cam Quảng Châu đáp ứng yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vượt trội đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với các đặc điểm như: vỏ vàng và mỏng, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ xơ thấp, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm thơm mát...
Theo bà Lê Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, sau hơn một năm triển khai, sản phẩm cam Quảng Châu, thành phố Hưng Yên đã hoàn thiện các bước gồm việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận, thực hiện nội dung quản lý nhãn hiệu chứng nhận, phát triển thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, xây dựng các tiêu chí cần chứng nhận cho sản phẩm của quả cam như vỏ, đường kính, trọng lượng và mùi vị, tỷ lệ xơ, hàm lượng kali, clo và vitamin... đồng thời thiết kế các mẫu nhãn hiệu chứng nhận để lựa chọn.
Theo đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, giá trị sản xuất cho cộng đồng người dân vùng trồng cam trong việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, tạo lập và phát triển kênh thương mại nhằm bảo đảm tính ổn định của đầu ra sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Oanh, Trưởng phòng kinh tế thành phố Hưng Yên cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 400 mẫu cam, trong đó 300 mẫu đang cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã Quảng Châu, Lam Sơn, Tân Hưng, Hoàng Hanh...
Đáng chú ý, tại các xã Quảng Châu, Hoàng Hanh đang triển khai trồng gần 100 mẫu cam theo quy trình VietGap, vụ này cho sản lượng khoảng hơn 500 tấn đã được nhiều doanh nghiệp ký kết tiêu thụ.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên khẳng định, cùng với sản phẩm nhãn lồng nổi tiếng, cây cam cũng đang được coi là một định hướng ưu tiên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng đất Phố Hiến, với sản lượng hàng năm đạt khoảng hơn 1.500 tấn, trị giá hơn 40 tỷ đồng.
Thành phố cũng đang quy hoạch và phát triển cây cam thành vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã Quảng Châu, Tân Hưng, Lam Sơn, Hoàng Hanh, Phú Cường, Hùng Cường...
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục tục áp dụng đúng quy trình sản xuất, liên kết giữa các hộ trồng cam để mở rộng và phát triển vùng trồng cam đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường./.
Theo Mai Ngoan/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã