Thăm mô hình giảm nghèo thành công nhờ nguồn vốn hỗ trợ.
Triển khai đồng bộ
Ngay từ đầu năm 2017, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn thành phố từng bước tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở hoàn thành việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, phân tích nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp, theo thứ tự ưu tiên.
Bên cạnh đó, các quận, huyện đã khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để luân chuyển cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để người nghèo tham gia. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo như: Cung cấp tín dụng ưu đãi; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên; xây dựng nhà; trợ cấp tiền điện, trợ cấp trực tiếp để hỗ trợ phát triển sản xuất, trợ cấp Tết; hỗ trợ giải quyết đất ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo… Xây dựng, triển khai sau đó tổng kết đánh giá và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả là hoạt động được Cần Thơ thực hiện từ nhiều năm nay. Hầu hết các mô hình giảm nghèo đều phù hợp với thực tế địa phương, dễ áp dụng rộng rãi.
Nguồn vốn chính sách hỗ trợ hiệu quả
Đối với chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, Thành phố đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Phong Điền… cùng các nguồn vốn để hỗ trợ chăn nuôi, phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ này một số hộ gia đình nghèo đã phát triển kinh tế, xây dựng nhiều mô hình làm giầu hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững.
Gia đình ông Ngô Công Hoàng, (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) trước đây thuộc diện hộ nghèo của phường. Nhờ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi nên kinh tế gia đình đã ổn định hơn, các con ông có điều kiện về học hành, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Không những thế gia đình ông và các hộ nghèo trên địa bàn còn được Thành phố hỗ trợ tiền điện mỗi tháng.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, hằng năm Thành phố luôn rà soát, thống kê công tác giảm nghèo tại địa phương, các phường, xã, từ đó có các phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đồng thời hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, giúp cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, trình độ dân trí nâng lên.
Để tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu của đề án giảm nghèo bền vững, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền Cần Thơ tiếp tục xây dựng và ban hành kế hoạch về công tác giảm nghèo phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Thành phố sẽ chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình nghèo, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo các xã, phường, thị trấn; nắm chắc tình hình của từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ cho phù hợp.
Năm 2017, TP Cần Thơ đã gần hoàn thành được mục tiêu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo tương ứng 3.124 hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75% so với hộ dân; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, tương ứng 179 hộ; hạ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 10,80% so với hộ dân tộc thiểu số. Đây là kết quả đáng ghi nhận của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố trong chương trình giảm nghèo bền vững, hiệu quả.
Hồng Lĩnh/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã