Đến ấp Hưng Thành Tây, xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò) hỏi anh Trần Phong Nhã (SN 1987) hầu như ai cũng biết và người dân vẫn thường gọi anh với biệt danh “Nhã nấm”.
Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh với chuyên ngành công nghệ hóa học, Nhã vào làm việc cho một công ty tại Bình Dương. Đến năm 2013, nhận thấy bản thân cần có những bước đi mới để phát triển kinh tế, anh quyết định khăn gói về quê nhà khởi nghiệp.
Qua tìm hiểu, nhận thấy nấm linh chi, nấm bào ngư đem lại nguồn kinh tế cao và thích hợp với điều kiện nuôi trồng tại địa phương, anh quyết định tìm tòi, học hỏi cách xây dựng mô hình trang trại trồng nấm linh chi, nấm bào ngư. Tận dụng hơn 2.000m2 đất vườn cùng nguồn nguyên liệu mùn cưa gỗ thu mua từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, nguồn lao động sẵn có tại địa phương, anh quyết định dồn hết 150 triệu đồng dành dụm để bắt đầu công việc.
Sau nhiều tháng trồng thử nghiệm, anh Nhã gặp thất bại do thời tiết không phù hợp, ảnh hưởng nên nấm nuôi trồng bị chết rất nhiều, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. “Lần đầu thực hiện mô hình nên mình vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa, khí hậu ở quê thường khắc nghiệt nên khiến nấm bị chết. Nấm linh chi là loại nấm rất khó trồng, đây cũng là bài học đắt giá trong lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi”, anh Nhã chia sẻ.
Không nản lòng, anh Trần Phong Nhã rút kinh nghiệm sau thất bại và cải tạo lại trang trại bằng việc lập một mái nhà bằng lá, tiến hành gieo cấy nấm đúng mùa để tạo thời tiết phù hợp cho cây nấm phát triển. Và, kết quả lần này đúng như mong đợi, số phôi giống mà anh gieo cấy thu hoạch được lần đầu khoảng hơn 150kg sản phẩm/tháng (nấm linh chi), nấm bào ngư có thể cho thu hoạch hơn 1 tấn sản phẩm/tháng.
Đến nay, mô hình nuôi nấm tại gia đình anh ngày càng được mở rộng và thành công vượt trội. Trang trại của anh Nhã có thể thu hoạch khoảng 1,5 tấn sản phẩm nấm linh chi/năm và khoảng 10 tấn sản phẩm nấm bào ngư/năm.
Nói về kỹ thuật trồng nấm linh chi, anh Nhã chia sẻ: “Đây là loại nấm khó trồng nên đòi hỏi kỹ thuật cao, tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm đều được thực hiện tỉ mỉ. Nhiệt độ nhà trồng phù hợp là 25 - 300C, độ ẩm từ 85 - 90% là thích hợp nhất, vì vậy cần tưới nước và tạo độ ẩm thường xuyên để cây nấm phát triển tốt. Thông thường, nếu điều kiện thuận lợi thì sau 5 tháng có thể thu hoạch. Mỗi phôi nấm thu hoạch được 4 lần cắt, cắt lần đầu thì năng suất cao nhất, càng về sau năng suất giảm dần”.
Hiện nay, với giá bán khoảng 300 ngàn - 800 ngàn đồng/kg nấm linh chi, nấm bào ngư 30.000/kg. Thị trường tiêu thụ khá rộng, ngoài thị trường trong tỉnh, anh còn cung ứng hàng đi TP.HCM, Bình Dương... Với số lượng nấm bán ra không ngừng tăng, mỗi năm, trang trại trồng nấm của anh Nhã cho thu nhập hơn 250 triệu đồng.
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, chàng trai trẻ 8X Trần Phong Nhã còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Không dừng lại ở đó, vào dịp Tết Đinh Dậu năm 2017, anh Nhã đã mạnh dạn thử nghiệm làm ra nhiều sản phẩm từ nấm linh chi như: nấm linh chi bonsai để trang trí, rượu thuốc nấm linh chi; linh chi xắt lát... bước đầu được khách hàng ưa chuộng.
Nói về tương lai nghề trồng nấm, anh Trần Phong Nhã cho biết, anh sẽ mở rộng mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư với quy mô lớn hơn, có nhãn hiệu và mở rộng thị trường để cung cấp sản phẩm nấm an toàn chất lượng đến nhiều người hơn nữa.
Nguồn: Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã