Theo kế hoạch dự kiến, Hải Hậu sẽ là 1 trong 3 huyện được Trung ương lựa chọn để xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cùng với huyện Nam Đàn (Nghệ An), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Chim đầu đàn đi trước
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Trung ương đánh giá cao tỉnh Nam Định về kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông mới. Mặc dù Nam Định chưa phải là tỉnh giàu có, nhưng toàn tỉnh đã tập trung, đồng bộ, rộng khắp trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 176/209 xã, chiếm 84% số xã về đích. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% xã đạt 19 nhóm tiêu chí về nông thôn mới. Nam Định cũng có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đang hoàn thiện thủ tục để côn nhận. Dự kiến đến năm 2020, Nam Định sẽ là tỉnh về đích đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Trung ương đánh giá cao tỉnh Nam Định về kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông mới.
Năm 2015, Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2015 với 100 % số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Bộ trưởng đặt vấn đề: Sau khi đạt 19 tiêu về nông thôn mới, chúng ta sẽ tiếp tục làm gì? Bộ trưởng đánh giá cao khi huyện Hải Hậu đã chủ động xây dựng xóm, tổ dân phố đạt nông thôn mới bền vững và phát triển, đồng thời xây dựng Đề án xây dựng huyện Hải Hậu nông thôn kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp”. “Nông thôn mới là chương trình liên tục nên không phải đạt tiêu chí rồi thì không làm gì thêm. Đích phấn đấu của chúng ta là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân với chất lượng sống ngày càng cải thiện và nâng lên. Vì thế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh Nam Định và huyện Hải hậu về quyết tâm xây dựng huyện nông thôn kiểu mẫu để làm cơ sở cho thúc đẩy giai đoạn tới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, từ năm 2016, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển giai đoạn 2016-2020. Hết năm 2017, Hải Hậu công nhận trên 300 xóm, tổ dân phố đạt nông thôn mới bền vững và phát triển. Trong năm 2017, Hải Hậu phấn đấu hoàn thành 100% số xóm, tổ dân phố; 28/35 xã, thị trấn đạt nông thôn mới bền vững và phát triển, đồng thời xây dựng. Huyện cũng đặt mục tiêu ban hành đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp” giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; xây dựng mô hình xóm, tổ dân phố kiểu mẫu gồm: xóm 8, xã Hải Tây và tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long.
Mục tiêu bao trùm của Đề án do huyện Hải Hậu đề xuất là tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng Hải Hậu “là huyện khá giả, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, xã hội nông thôn bình yên”, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Định dạng cho huyện nông thôn kiểu mẫu
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nhiệt tình hiến kế, góp ý để hoàn thiện Đề án xây dựng huyện nông thôn kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp’. Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, xây dựng huyện nông thôn kiểu mẫu thì yếu tố quan trọng nhất là phải nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, xây dựng huyện nông thôn kiểu mẫu khó vì chưa có tiền lệ, hình mẫu cụ thể. “Đã kiểu mẫu thì phải tốt hơn bình thường. Huyện Hải Hậu đã xây dựng xóm, tổ dân phố đạt nông thôn mới bền vững và phát triển, tiến tới là xây dựng ở cấp xã. Nhưng vấn đề quan trọng là phải xây dựng khung tiêu chí để đánh giá, thừa nhận” – ông Nghị đề xuất.
Đồng tình với đề xuất trên, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến nhấn mạnh đến tính tiên phong và định hướng phát triển toàn diện về các mặt: sản xuất, môi trường, an ninh trật tự, văn hóa. Về sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã hình thành 7 vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: nuôi trồng thủy sản mặn lợ (bình quân đạt 650-750 triệu/ha/năm), trồng cây dược liệu... Riêng về cây dược liệu, toàn huyện đã hình thành vùng trồng với diện tích 640ha, trong đó có 185ha sản xuất theo chuỗi. Điển hình là mô hình trồng đinh lăng của hộ gia đình ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Thanh với diện tích 2,5ha. “Sau 3 năm trồng, mỗi sào trồng đinh lăng cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa” – ông Sớm báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác.
Dù đã có những bước chuyển sang những cây, con có thế mạnh, nhưng do thiếu vắng doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, thương mại nên vẫn chưa tạo được động lực phát triển cho toàn vùng. Chính vì thế, một số tập đoàn, doanh nghiệp tham dự tại hội nghị đã đề xuất những cam kết cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Trong khi Đề án của huyện đề xuất xây dựng vùng chuyên sản xuất giống lúa quy mô 30ha với sự tham gia của 3 doanh nghiệp, thì riêng ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đăng ký xây dựng vùng sản xuất lúa giống 50ha. Không chỉ có vậy, ông Báo còn dự kiến sẽ triển khai trồng 3 giống lúa mới trên địa bàn huyện Hải Hậu trong năm 2018.
Cùng với thúc đẩy sản xuất, việc đảm bảo tiêu chí về môi trường, nhất là xử lý chất thải sinh hoạt được đặt ra và thu hút sự thảo luận của các đại biểu. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn của huyện đều hình thành và duy trì hoạt động thường xuyên của tổ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo công nghệ lò đốt rác thải bằng khí tự nhiên (công suất xử lý khoảng 2 tấn rác/ngày) – chỉ còn 6 xã chưa có lò đốt rác. Huyện Hải Hậu cũng đặt ra mục tiêu chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư, phấn đấu 2019 không còn chăn nuôi trong khu dân cư. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, huyện Hải Hậu cần lựa chọn công nghệ xử lý rác tiên tiến, triệt để nhất và rà soát hoàn chỉnh việc trồng cây xanh ở khu vực lò đốt rác để tạo môi trường xanh cho khu vực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, Nam Định rất coi trọng chủ trương xây dựng NTM và coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt. Theo ông Đoàn Hồng Phong, trong quá trình triển khai tỉnh Nam Định vẫn xác định cốt lõi của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mà một trong những rào cản lớn nhất với sản xuất nông nghiệp bao nhiêu năm qua vẫn mắc ở chính sách đất đai. Dó đó, ông Phong đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ có chính sách sửa chính sách đất đai linh hoạt, phù hợp và cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Nói về Đề án xây dựng huyện Hải Hậu nông thôn kiểu mẫu “Sáng – xanh – sạch – đẹp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị huyện rà soát, chỉnh sửa lại để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Cùng với các giải pháp mà huyện đề xuất, Bộ trưởng lưu ý huyện cần chú ý tới hai giải pháp: Thứ nhất, quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; Thứ hai, xã hội hóa tối đa nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý, huyện Hải Hậu cần rà soát các chỉ tiêu về nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới để hoàn thiện trước khi thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu./.
Theo P.V/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã