Ngày 12.8, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã đến tham quan nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Long An.
Trao đổi với Chủ tịch HNDVN Lại Xuân Môn, bà Nguyễn Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty phân bón Con Cò Vàng (Đồng Nai) cho biết những năm qua doanh nghiệp đã tập trung nhiều hơn vào phân hữu cơ. Hiện sản phẩm phân hữu cơ chiếm đến 30% khối lượng phân bón của công ty (khoảng 40 ngàn tấn/năm). Trên thực tế, sản phẩm phân hữu cơ ngày càng được nhiều người nông dân lựa chọn hơn, vì tiết kiệm được chi phí lại có tác dụng cải tạo đất.
Chủ tịch HNDVN Lại Xuân Môn thăm nhà máy sản xuất của phân bón Công ty phân bón Con Cò Vàng
Bà Thoa cho rằng, nông dân cần thay đổi dần, cần sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn để cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng. Về giá cả, 1kg phân khoáng có giá 10.000 đồng, thì phân hữu cơ giá chỉ bằng 1/3 nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp giữa phân hữu cơ và phân khoáng tùy theo từng giai đoạn và theo từng tỷ lệ nhất định, chứ không phải hoàn toàn bỏ phân khoáng. Để khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ, bà Thoa cho rằng doanh nghiệp cần các cấp Hội Nông dân hỗ trợ về việc đẩy mạnh tuyên truyền, gắn kết doanh nghiệp với nông dân.
Còn ông Trần Anh, Tổng giám đốc Công ty phân bón Hà Lan (Long An) cho biết phân hữu cơ chiếm từ 10 -15% sản phẩm của công ty, với 10 – 15 ngàn tấn/năm, nhưng sản xuất không đủ bán, phải nhập thêm về. Khách hàng rất ưa chuộng phân hữu cơ bởi đã nhận biết lợi ích từ phân bón này, nhất là tại thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty đang tìm thêm mặt bằng để đặt thêm nhà máy mở rộng sản xuất phân hữu cơ. Ông chia sẻ: “Suốt vài chục năm qua, chúng ta đã lấy đi từ đất rất nhiều chất dinh dưỡng làm đất cạn kiệt rồi. Do đó cần cải tạo đất bằng những sản phẩm phân hữu cơ, phải trả lại các chất hữu cơ cho đất”.
Chủ tịch HNDVN Lại Xuân Môn kiểm tra một mẫu sản phẩm của Công ty phân bón Hà Lan
Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn bày tỏ vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng tập trung nhiều vào sản xuất phân hữu cơ, đồng thời đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại một số nước trên thế giới mà ông đã đến công tác, học hỏi.
Theo ông, hiện nay xu hướng các nước là sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng, và rất hạn chế sử dụng phân vô cơ. Nông dân các nước biết tận dụng những sản phẩm bỏ đi để làm phân bón, không lãng phí như ở Việt Nam. Chủ tịch HNDVN Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Chúng ta có "mỏ vàng" để sản xuất phân hữu cơ nhưng lại chưa biết tận dụng. Nguồn phân hữu cơ này từ đâu, đó là từ phân bò, mùn cưa, rơm rạ hay các phế phẩm nông nghiệp tưởng như bỏ đi…Nếu tận dụng để ủ phân thì sẽ có nguồn phân rất rẻ, phân lại có thể giúp cải tạo đất”.
Một góc phòng kiểm định chất lượng của công ty phân bón Hà Lan
Chủ tịch HNDVN chia sẻ, tháng 9 tới Hội sẽ tổ chức Hội thảo về phân hữu cơ. Qua đó sẽ có những giải pháp để khai thác mỏ vàng phân hữu cơ tại Việt Nam. Hội cũng đang triển khai các công tác hướng dẫn nông dân cách sản xuất phân hữu cơ, tận dụng các phế phẩm để làm phân bón cho cây trồng, cải tạo đất. Mới đây, một đối tác Nhật Bản đã ký kết với Hội để cung cấp men vi sinh cho nông dân ủ phân hữu cơ.
Chủ tịch Lại Xuân Môn lưu ý thêm, hiện nay phân bón đến tay nông dân phải qua rất nhiều trung gian, thậm chí qua đến đại lý cấp 4, cấp 5. Khi đến tay nông dân giá đã đẩy giá phân bón lên cao mà không ai biết chất lượng có đảm bảo, khối lượng có đủ không. Do đó ông đề nghị các doanh nghiệp phải kết nối với nông dân để nông dân được sử dụng phân bón với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo nhất.
Ông Nguyễn Đình HạcThúy, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam khẳng định: Nước ta có kho tàng lớn để sản xuất phân hữu cơ với khối lượng trên 50 triệu tấn. Tuy nhiên khối lượng này vẫn đang bị bỏ đi, gây lãng phí. Ông cho rằng cần phải làm cuộc cách mạng để thay đổi xu hướng trong việc sử dụng phân bón, cần khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn.
Theo Hưu Ký/Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã