Tỉnh ta có diện tích đất nông nghiệp 115 nghìn ha, trong đó diện tích đất trồng lúa gần 80 nghìn ha, hơn 15 nghìn ha nuôi trồng thủy sản (NTTS). Các nghiên cứu, tính toán cho thấy sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động xấu do BĐKH và nước biển dâng. Toàn tỉnh có khoảng 20 nghìn ha đất trồng lúa vùng thấp trũng thường bị ngập úng trong vụ mùa, năng suất thấp; trên 11 nghìn ha đất canh tác chân ruộng cao sản xuất lúa và rau màu, hằng năm vào mùa khô đều bị thiếu nước trầm trọng. Trên 12 nghìn ha đất canh tác của 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng bị ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn nên việc canh tác lúa rất khó khăn, nhất là trong vụ xuân dẫn đến tình trạng năng suất lúa ở các nơi này thường giảm 20-30% so với các nơi khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét hại kéo dài, nắng nóng bất thường, hạn hán, mưa bão, úng lụt… làm cho hàng chục nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng mỗi năm, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cùng với các hiện tượng cực đoan về thời tiết, các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy, các bệnh khô vằn, bạc lá, lùn sọc đen… đang ngày càng phát sinh với mật độ cao, có diện phân bố rộng hơn và gây thiệt hại mùa màng ngày càng lớn hơn. Mỗi vụ đều có hàng chục nghìn ha lúa bị nhiễm sâu, rầy, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hằng năm lên tới trên 200 tỷ đồng, trong khi năng suất cây trồng vẫn bị suy giảm và ô nhiễm môi trường gia tăng. Thực trạng trên buộc các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phải không ngừng nỗ lực tìm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các đối tượng có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân ứng phó với BĐKH, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực có cốt đất không đồng đều, thường bị khô hạn vào vụ xuân và úng lụt trong vụ mùa. Để khắc phục tình trạng này, trên các chân ruộng cao gặp nhiều khó khăn về nước tưới ngành chuyên môn và các địa phương đã chỉ đạo nông dân chuyển sang trồng lạc ở vụ xuân, luân canh 3 vụ/năm theo công thức: lạc xuân - lúa mùa - rau (khoai tây) vụ đông; giá trị sản lượng mỗi ha sau chuyển đổi đạt trên dưới 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 50-60 triệu đồng/ha. Trong đó, điển hình là các xã: Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Cường (Ý Yên); Liên Minh, Liên Bảo (Vụ Bản); Nam Hùng, Nam Hoa (Nam Trực)… Nhiều diện tích cấy lúa ở chân ruộng thấp trũng được chuyển sang trồng 1 vụ lúa xuân kết hợp nuôi tôm, cá nước ngọt (mô hình lúa - thủy sản). Xã Yên Hồng là địa phương thuộc vùng trũng của huyện Ý Yên, có nhiều diện tích chỉ cấy được một vụ lúa. Những năm qua, xã đã quy hoạch và chuyển đổi gần 50ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá với 54 hộ thực hiện. Với mô hình này, cá và lúa hỗ trợ nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng phân bón hóa học nên an toàn cho con người và môi trường. Giá trị kinh tế 1ha sau chuyển đổi sang mô hình lúa - cá đạt từ 80-100 triệu đồng/năm. Đây đang là một hướng đi mang tính bền vững của các hộ vùng đồng trũng.
Nông dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) chuyển đổi từ đất lúa nhiễm mặn kém hiệu quả sang trồng màu, cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm. |
Tại các huyện phía nam tỉnh, nhiều xã, thị trấn thành công với mô hình chuyển đổi những diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng cây rau màu như: Rạng Đông, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); Thịnh Long (Hải Hậu); Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy)… Là địa bàn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi BĐKH, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đang thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khi tận dụng tối đa quỹ đất, “lách” thời vụ bằng nhiều công thức luân canh linh hoạt. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: được tỉnh, huyện phê duyệt cho xã chuyển đổi 100% diện tích đất lúa bị nhiễm mặn sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn, những năm qua, xã đã khuyến khích, vận động nông dân chuyển đổi được gần 200ha diện tích cấy lúa sang luân canh rau màu, nuôi trồng thủy sản. Trong đó diện tích chuyển đổi sang luân canh rau màu là 70ha, cùng với diện tích đất màu vườn sẵn có đã đưa tổng diện tích đất trồng màu của Nam Điền lên trên 220ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, xã đã quy hoạch vùng trồng màu tập trung; xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp để chủ động luân canh, xen canh tăng vụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Phát triển trồng màu theo phương thức đa dạng hóa cây trồng, tập trung vào những cây dễ trồng, có năng suất cao, chất lượng, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao như: cà chua; dưa lê; bí (bí xanh đá, bí sặt); các loại rau thơm (mùi, thì là, hành, tỏi) và rau xanh các loại. Bình quân mỗi ha đất canh tác của xã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn, trũng úng… của các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy lại được nông dân chuyển sang nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá bống bớp, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, cá diêu hồng… cho lợi nhuận cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa. Tiêu biểu là xã Hải Hòa (Hải Hậu) đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa nhiễm mặn và sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, đưa tổng diện tích nuôi toàn xã lên gần 200ha. Xã đã vận động, khuyến khích các hộ nông dân chủ động đầu tư vốn lớn cho nuôi thủy sản nước mặn lợ và nước ngọt với dạng các đối tượng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cua biển, cá vược, cá lóc bông… cho thu nhập cao. Bình quân mỗi năm, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập 350-400 triệu đồng/ha; các loại cá mú, cá vược, cá lóc bông thu nhập 150-200 triệu đồng/ha…
Những năm qua, ngành NN và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình và thực hiện chuyển đổi hàng nghìn ha diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả do tác động của BĐKH sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác của tỉnh tăng lên trên 110 triệu đồng/năm. Việc thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không những giúp người dân ứng phó nhanh với BĐKH mà còn hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung cho sản lượng hàng hóa lớn, sạch và thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần giúp các địa phương thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM./.
Theo Ngọc Ánh/Báo Nam Định.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã