Bưởi da xanh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Chia sẻ về mục đích và ý nghĩa của sự kiện, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết Việt Nam là một nước nông nghiệp với những sản phẩm đặc sản mang đậm nét vùng miền. Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang chứng minh sự phát triển, nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế. Việc xây dựng và phát huy sự đa dạng của các sản phẩm cần có sự khai thác đồng bộ để thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, nâng cao nhận thức người tiêu dùng.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn cho biết Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Tính đến tháng 6/2018, 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ, từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động sản xuất và thương mại sản phẩm đặc sản ở các địa phương.
Đối với chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ đã chủ trì, triển khai nhiều chương trình, dự án, các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội ngành nghề trong xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của các địa phương.
Trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng cộng đồng cần nâng nâng cao nhận thức và nhận biết về các sản phẩm chỉ dẫn địa lý cho người tiêu dùng, đồng thời thiết lập nền tảng nhận thức tại Việt Nam về chỉ dẫn địa lý, truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng, nhà sản xuất và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.
Với mong muốn đưa hình ảnh địa lý của từng đặc sản đến với người tiêu dùng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng Phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng để mang các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, trước hết cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về chỉ dẫn địa lý đến người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp.
Việc xuất bản ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý-Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” nhằm góp phần các cơ quan nhà nước đề ra các chính sách, đồng thời khơi dậy niềm tự hào khi giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Trên thế giới, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, góp phần quảng bá hình ảnh, phát huy những giá trị di sản được hình thành từ điều kiện tự nhiên và văn hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm truyền thống.
Hiện có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên thế giới với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD.
Tại Việt Nam, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, văn hóa truyền thống đa dạng, kinh nghiệm, sự cần cù, siêng năng và khéo léo của người dân, Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, gắn với chất lượng đặc thù, danh tiếng và nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong số đó, nhiều sản phẩm là các mặt hàng chủ lực của địa phương, được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tại sự kiện, đại biểu đã cùng tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý để hiểu rõ hơn về đặc sản vùng miền của người dân Việt Nam./.