Từ 3ha thí điểm trên ruộng lúa nhiễm mặn
Xã Vĩnh Sơn mấy hôm nay đi đâu cũng sôi nổi với thông tin ông Trần Văn Tân ở thôn Phan Hiền vừa thu hoạch hồ tôm nuôi trên đất lúa có diện tích 4 sào nhưng được đến 2 tấn tôm thẻ chân trắng. Trung bình mỗi kg tôm thẻ chân trắng 120 ngàn đồng thì ngần ấy diện tích nuôi tôm mới một vụ, ông Tân đã thu về được 240 triệu đồng. Trong lúc đó nếu trồng lúa thì 4 sào ruộng nhiễm mặn đó chỉ cho khoảng 500kg, bán với giá 6 ngàn đồng/kg, tổng tiền thu về một vụ lúa chỉ 3 triệu đồng (thua 80 lần).
Ông Thân Trọng Dũng, chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cầm trên tay nhiều đơn xin chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm của bà con nông dân |
Hiệu ứng nuôi tôm trên đất lúa cho thu nhập quá lớn làm cho nhiều nông dân xã Vĩnh Sơn đứng ngồi không yên. Bằng lòng sao được khi cùng ở một xóm làm nông nghiệp với nhau, mà người mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thì cho thu nhập gấp mấy chục lần trồng lúa, mua được xe ô tô, dựng nhà mấy tầng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, ông Thân Trọng Dụng cho biết, mấy hôm nay tôi vừa nhận thêm 10 lá đơn của bà con ở thôn Tiên An xin chuyển đổi đất màu, đất lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi tôm.
Vĩnh Sơn là xã đi đầu của tỉnh Quảng Trị về sự sáng tạo trong làm ăn nông nghiệp. Câu chuyện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, bị nhiễm mặn, phèn sang nuôi trồng thủy sản ở xã này bắt đầu từ năm 2000. Tôi tìm gặp ông Trần Văn Tại, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn giai đoạn 2000 - 2005. Nhớ lại buổi đầu ấy, ông Tại cho biết các thôn Phan Hiền, Huỳnh Hạ, Huỳnh Xá nằm về phía đông của xã, ngay cửa sông Bến Hải nên ruộng lúa luôn bị chua phèn, nhiễm mặn. Trồng cây lúa mỏi mắt nhìn chẳng thấy lên mà cứ thấy màu vàng úa vì phèn mặn phảng phất khắp đồng đến đau mắt. Năng suất mỗi sào trồng lúa chỉ đạt 100kg. Trong lúc đó các thôn có chân ruộng cao hơn thì có năng suất lúa đến 500 kg/sào. Những ngày đó đời sống người dân 3 thôn phía đông rất khó khăn, chỉ biết trông chờ vào cây lúa.
Không chịu để bà con mãi chịu cảnh nghèo khó, lãnh đạo xã Vĩnh Sơn tìm tòi, đi học hỏi cách làm ăn khắp nơi, họ phát hiện ra điều kiện 3 thôn phía đông rất phù hợp để nuôi trồng thủy sản. Thế là năm 2000, xã Vĩnh Sơn làm thí điểm lấy 3 ha ruộng lúa ở thôn Huỳnh Xá bị nhiễm mặn đào hồ nuôi tôm sú. Gần 4 tháng sau vụ tôm đầu tiên cho thu hoạch đến bất ngờ, tổng sản lượng khai thác tôm thu về được 800kg. Qua vụ thứ hai xã thí điểm làm thêm 5ha nữa nâng diện tích chuyển đất lúa sang nuôi tôm thành 8ha. Lại thêm một vụ tôm thắng lợi ngoài mong đợi.
Mạnh dạn chuyển đổi
Từ năm 2003 đến 2005 thấy việc chuyển đất trồng lúa nhiễm mặn, phèn sang nuôi tôm hiệu quả nên bà con xã Vĩnh Sơn ào ạt cải tạo ruộng thành ao tôm. Ngày đêm ruộng lúa các thôn Huỳnh Xá Hạ, Phan Hiền, Huỳnh Thượng, Tiên An như một công trường xây dựng. Người dân đua nhau chuyển đổi đất đào ao, làm kênh dẫn nước nuôi tôm.
Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được nông dân Vĩnh Sơn chuyển sang đào ao hồ nuôi tôm |
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, trước thực tiễn cuộc sống đặt ra, mạnh dạn chuyển đổi hay chấp nhận suốt cuộc đời khó nhọc nghèo khổ với cây lúa, xã quyết định triệu tập phiên họp, bàn bạc vấn đề giảm đất lúa để nuôi tôm rồi thống nhất đưa vào Nghị quyết của HĐND xã. Cụ thể điều chỉnh lại quy hoạch vùng phát triển thủy sản, thống nhất chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả vì bị nhiễm mặn, phèn vùng sát cửa sông Bến Hải sang nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú với diện tích 100ha. Thế nhưng vì sức hút của việc nuôi tôm, bà con chuyển đổi vượt diện tích cho phép, đưa diện tích nuôi tôm lên 160ha. Đến hôm nay Vĩnh Sơn trở thành xã vùng cửa sông có phong trào nuôi tôm tốt nhất tỉnh Quảng Trị.
Ông Trần Văn Lưu ở thôn Phan Hiền có 5ha lúa nhiễm mặn, năm 2010, ông đã chuyển đổi sang nuôi tôm sú. Nhờ có thu nhập cao từ nuôi tôm gia đình ông xây được nhà cao cửa rộng, thuộc vào diện giàu nhất làng. Ông Lưu nhớ lại thời làm lúa do ruộng thường xuyên nhiễm mặn nên không đủ ăn, kinh tế gia đình luôn khó khăn. Vì tất cả đều nhằm vào hạt lúa ngoài đồng. Nay nhờ nuôi tôm nên không chỉ gia đình ông Lưu mà nhiều gia đình khác trong xã cũng trở nên giàu có.
Dốc sức với người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, UBND xã Vĩnh Sơn đã chỉ đạo các HTX kiện toàn các ban điều hành cộng đồng nuôi tôm và ban hành các quy chế cộng đồng về nuôi tôm sú một cách cụ thể ở từng HTX. Có 15 tổ nuôi tôm cộng đồng được hình thành. Mỗi tổ chịu trách nhiệm quản lý từng khu vực nhỏ, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về cải tạo ao hồ, chọn giống, khung lịch thời vụ, mật độ thả tôm giống, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước…
Ông Trần Đức Hữu, ở HTX Huỳnh Thượng, cho biết, Huỳnh Thượng có 45ha nuôi tôm với 155 hộ. Toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX đều khép kín, rào lưới B40. Tất cả các xã viên đều tuân thủ quy ước nuôi tôm cộng đồng của HTX là chỉ bơm nước một lần ở sông Bến Hải vào cải tạo ao hồ đầu vụ nuôi nên nhiều vụ nuôi tôm thắng lợi.
Ông Thân Trọng Dũng thống kê cho thấy trước đây Vĩnh Sơn có 745ha ruộng lúa, trong đó có 160ha là đất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp nên đã chuyển sang nuôi tôm. Bây giờ Vĩnh Sơn chỉ giữ lại 585ha ruộng tốt. Ngần ấy diện tích trồng lúa hàng năm vẫn sản xuất ra lương thực dư thừa phục vụ cuộc sống, còn chuyển một lượng lớn lúa sang hàng hóa.
Trong lúc đó mỗi ha nuôi tôm từ ruộng lúa nhiễm mặn cho năng suất 4,2 tấn/vụ, nhân với giá 160 ngàn đồng/kg sẽ bằng 672 triệu đồng. Với 160ha nuôi tôm Vĩnh Sơn thu về 108 tỷ đồng/vụ. Mỗi năm nông dân ở Vĩnh Sơn nuôi tôm đến 3 vụ, có năm đạt doanh thu trên 300 tỷ đồng.
Khi được hỏi Vĩnh Sơn sẽ giữ lại bao nhiêu diện tích lúa là vừa, ông Thân Trọng Dũng thẳng thắn thừa nhận trong gian lao vất vả, người dân Vĩnh Sơn đã tìm ra được hướng phát triển đúng đắn, sáng tạo là nơi nào ruộng lúa kém chất lượng, bị nhiễm mặn, phèn chua phải mạnh dạn chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Lấy Vĩnh Sơn làm điển hình, ông Dũng cho biết đã giảm hơn ¼ đất lúa để chuyển sang nuôi trồng thủy sản như Vĩnh Sơn là phù hợp. Thực tế cuộc sống đòi hỏi nếu anh không bắt nhịp được với thời đại thì anh sẽ tụt hậu so với các địa phương khác.
+ Theo ông Thái Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, thời gian qua ngoài xã Vĩnh Sơn chuyển đổi tốt từ đất trồng lúa kém chất lượng sang nuôi trồng thủy sản cho kết quả cao, thì các xã khác như Vĩnh Thành, Vĩnh Giang cũng chuyển đổi rất hiệu quả. Chủ trương của huyện là nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, nên năm 2017 huyện tiếp tục chuyển đổi thêm 300ha ruộng lúa kém chất lượng, thiếu nước sang các mô hình khác, không chỉ nuôi trồng thủy sản, mà còn trồng các loại cây khác như đậu xanh, lạc, ném. Một số diện tích chỉ làm lúa 1 vụ còn 1 vụ trồng cây màu cho giá trị thu nhập lớn hơn trên cùng diện tích đất. + Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, tỉnh đang tái cơ cấu mạnh ngành nông nghiệp. Theo đó, từ năm 2017 đến 2020 sẽ chuyển đổi từ 5 đến 6 ngàn ha lúa kém chất lượng, năng suất thấp sang trồng các loại cây khác như ngô, đậu đỗ, rau màu, trồng cỏ chăn nuôi bò và nuôi trồng thủy sản. Riêng trong năm 2016 đã chuyển đổi được 1.300ha. Mục đích chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị và năng suất của vật nuôi, cây trồng trên cùng diện tích đất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. |