Nhiều nông dân ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang áp dụng phương pháp canh tác lúa “1 phải” (phải sử dụng giống xác nhận), “5 giảm” (giảm lượng giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nước tưới và thất thoát sau thu hoạch) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ khi hướng đến một nền sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc áp dụng phương pháp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu đang được khuyến khích.
Thực tế, đang có nhiều mô hình triển khai hiệu quả. Ví dụ như “Cánh đồng không thuốc BVTV” 500 héc-ta tại xã Vĩnh Lộc (An Phú). Mô hình giúp giảm chi phí sản xuất 3,6 triệu đồng/héc-ta, năng suất tăng từ 2 - 3 tấn/héc-ta khi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ kết hợp “1 phải, 5 giảm”. Tại các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú (Bến Tre) đã sản xuất luân canh lúa - tôm theo phương pháp hữu cơ. Để đưa sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tham gia liên kết với nông dân. Điển hình như Công ty Vineco (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã hợp tác với nông dân và hợp tác xã đạt hơn 2.000 héc-ta, sản xuất sạch theo phương pháp hữu cơ. Công ty còn hỗ trợ chứng nhận VietGap cho nông dân ở nhiều địa phương.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc sinh học, thuốc BVTV ít độc hại và được quản lý theo hướng bền vững. Đồng thời, siết chặt việc đăng ký và khảo nghiệm thuốc BVTV, bỏ các loại thuốc độc hại ra khỏi danh mục. Bộ khuyến cáo các cá nhân, DN đăng ký thuốc có nguồn gốc sinh học, có thể bảo quản sau thu hoạch. Những loại thuốc này sẽ được ưu tiên đưa vào danh mục.
Như vậy, sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ đang được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Sản phẩm an toàn không chỉ cung ứng trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu để khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam với người tiêu dùng thế giới. Muốn vậy, Chính phủ và các địa phương phải quy hoạch quy mô vùng sản xuất hữu cơ trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Việc sản xuất phải có sự gắn kết chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân với DN để phát triển bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã