Thoát nghèo nhờ dê
Xã Thành Đông vốn nổi tiếng là vùng trồng khoai lang lớn của huyện, nhưng hiện nay nuôi dê mới là nghề đem lại thu nhập cao. Tại đây đã thành “làng nuôi dê”. Ông Trần Văn Hùm (ngụ ấp Thành Tiến, xã Thành Đông) được xem là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi dê.
Ông Hùm chia sẻ: “Từ năm 2000, nhận thấy nhiều nơi phát triển mô hình nuôi dê cho thu nhập khá, tôi bắt đầu nuôi 5 con dê cái. Rồi tôi gây đàn dần và hiện nay gia đình đang duy trì số lượng khoảng 150 con”.
“Làng nuôi dê” Thành Đông là địa chỉ đáng tin cậy cho bạn hàng ở nhiều tỉnh. Ảnh: Chúc Ly
“Tại đây, ban đầu chỉ vài hộ nuôi, dần dần nhiều hộ học hỏi, làm theo. Ai muốn học hỏi cách nuôi tôi đều sẵn sàng chỉ dẫn. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về cách chăm sóc dê sao cho hiệu quả, đặc biệt chuồng nuôi phải thông thoáng thì dê mới mau lớn” – ông Hùm cho hay.
Năm 2014, các hộ nuôi dê đã được tập hợp để thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê với 19 thành viên. Từ đó, Hội Nông dân đã hỗ trợ các thành viên vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số vốn 300 triệu đồng.
Hiện toàn xã có gần 100 hộ nuôi dê với tổng đàn hơn 1.500 con. Người nuôi dê thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Không lo đầu ra
Chia sẻ về thu nhập từ đàn dê, ông Hùm phấn khởi nói: “Nuôi dê rất nhanh thu vốn, dê cái cũng chỉ nuôi 9 tháng là đã sinh sản, mỗi lứa từ 3- 4 dê con. Sau 2 đến 3 tháng là dê con thôi bú, có thể xuất chuồng, bán giống. Số tiền thu được từ bán dê khoảng 300 triệu đồng/năm, đó là chưa tính số dê cái để lại nuôi”.
Anh Trần Văn Tam (ngụ ấp Thành Tiến, xã Thành Đông), chia sẻ: “Khoảng 7 năm trước, tôi mua được 2 con dê giống về nuôi. Đến nay, đàn dê gia đình tôi ổn định ở mức khoảng 60 con, mỗi năm bán được 60 dê thịt và hàng chục con dê giống. Thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng”.
Cũng theo anh Tam, nuôi dê rất dễ, chỉ đòi hỏi người nuôi phải siêng năng và kiên nhẫn. Số lượng đàn dê càng lớn thì phải chuẩn bị nguồn thức càng nhiều, vì dê dễ tính nhưng ăn rất khỏe. Đặc biệt, con dê rất thích lá khoai lang, lớn nhanh, ít bệnh tật.
Chính nhờ việc tận dụng nguồn thức ăn cho dê từ dây lá khoai lang sẵn có tại địa phương nên nuôi dê không tốn kém nhiều chi phí, cứ bỏ công ra là có lời. Nguồn chất thải, phân của dê còn có thể bán làm phân hữu cơ cho người trồng hoa ở Đà Lạt.
Ông Trần Văn Lành - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Đông cho biết: “Mô hình nuôi dê tập trung ở 3 ấp: Thành Tiến, Thành Thới và Thành Khương. Địa bàn xã có trên 8.600ha trồng khoai lang nên nguồn thức ăn cho dê lúc nào cũng dồi dào. Khoai loang không chỉ là nguồn thức ăn tốt cho dê mà còn giải quyết được nguồn phụ phẩm nông nghiệp một cách có hiệu quả. Đặc biệt, thịt dê tại đây có chất lượng thơm ngon nên các thương lái tìm đến tận nơi để thu mua với giá cả khá ổn định”.
Theo ông Lành, đa phần những hộ đến với mô hình nuôi dê đều có cuộc sống khấm khá, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.
Trúc Ly
Nguồn: Báo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã