Học tập đạo đức HCM

Để mật thêm ngọt

Thứ bảy - 01/08/2015 22:17
Nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, cơ hội xuất khẩu cũng đang mở rộng. Tuy nhiên, vấn đề tồn dư kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong đang ảnh hưởng lớn đến uy tín của sản phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sản xuất theo quy trình an toàn để tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu khi TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) sắp đi vào hoạt động.
 

Cty CP Ong mật Đắk Lắk đã góp phần đưa sản phẩm sản xuất từ ong mang đậm hương vị Tây Nguyên ra thị trường thế giới. Ảnh Thiện Nguyễn.

Cơ hội xuất khẩu lớn

Theo thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính nước ta có trên 1,5 triệu đàn ong, gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó ong nội 350.000 đàn (chiếm 23,33%), ong ngoại 1,15 triệu đàn (chiếm 76,67%).

Ong là đối tượng vật nuôi có sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất so với các giống vật nuôi khác. Thị trường xuất khẩu mật ong thời gian qua chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Năm 2014, sản lượng mật ong xuất khẩu đạt 49.000 tấn, chiếm tới 92% lượng mật ong sản xuất ra, đạt kim ngạch 120 triệu USD. Mật ong Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vì trong 11 thành viên TPP, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất cho xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Năm 2014, Hoa Kỳ nhập khẩu 165.584 tấn mật ong từ nhiều nước trên toàn cầu, trong đó nhập từ Việt Nam 47.009 tấn (chiếm 28,4%), nước ta vươn lên vị trí thứ 1 trong số các nước xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Ngọc Lan, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, một số cá nhân, đơn vị vẫn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao, nhập giống ong ngoại một cách tuỳ tiện không theo quy trình kiểm dịch và nuôi cách ly, không thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh giống vật nuôi và Pháp lệnh Thú y. Đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn cho việc lan truyền các loại dịch bệnh và làm thoái hoá các giống ong trong nước. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu về ong còn quá hạn chế, giống ong không được cải tiến, không được nhập mới.

Mặc dù nguồn hoa nuôi ong khá đa dạng, đủ điều kiện để nuôi giữ các đàn ong giống duy trì và phát triển quanh năm nhưng do thiếu thông tin và kiến thức về thụ phấn cây trồng, hiện một số vùng và địa phương đang xua đuổi ong, thậm chí phá đàn ong vì cho rằng ong phá hoại mùa màng. Điều này cũng gây không ít khó khăn và thiệt hại cho ngành ong, thiệt hại cho xã hội và phá vỡ hệ sinh thái, mối liên kết bền vững giữa con ong và cây trồng. Về vấn đề này, TS. Phạm Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong (Viện Chăn nuôi), phân tích: “Ở các tỉnh miền Tây, chúng tôi đã thử nghiệm mật độ 700 con/m2 nhưng không gây ảnh hưởng đến cây lúa, ngô… Nhiều người cho rằng ong bu vào cây trồng làm giảm năng suất là không có cơ sở”.

Còn nhiều thách thức

Cũng theo bà Lan, ngoài những thời cơ nêu trên thì việc xuất khẩu mật ong của Việt Nam đang gặp thách thức lớn khi tham gia TPP như vấn đề kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng an toàn thực phẩm đối với mật ong xuất khẩu của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong mật ong. Ngoài thị trường truyền thống Hoa Kỳ, mật ong Việt Nam xuất khẩu đi các nước khác trong TPP chưa được khai thác, đặc biệt là Nhật Bản và Australia; chưa xây dựng được thương hiệu riêng; chưa xây dựng được nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp cho ong để thay thế phấn hoa tự nhiên ở những vụ khan hiếm nguồn phấn tự nhiên.

Ông Chu Văn Tuất, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương 1, nêu một thực tế, tình hình sản xuất và thu mua mật ong xuất khẩu ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tượng cạnh tranh mua bán không lành mạnh vẫn diễn ra khá phổ biến. Mật ong kém chất lượng vẫn có thị trường mua bán trao đổi. Thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) ít được áp dụng. Đặc biệt, một số người nuôi ong còn sử dụng kháng sinh trong phòng và trị bệnh cho ong, hậu quả là bệnh ong không được khống chế mà dư lượng kháng sinh tồn dư trong mật ong lại phát sinh.

Phải sản xuất theo VietGAHP

Để tránh gây thiệt hại cho người nuôi ong, cho nhà xuất khẩu và để đảm bảo uy tín của mật ong Việt trên thị trường, theo ông Tuất, người nuôi ong cần có ý thức chấp hành tốt các quy định trong sản xuất mật ong như sử dụng đúng quy trình kỹ thuật và quản lý về nuôi ong, phòng trị bệnh và ký sinh hại ong theo quy trình, khai thác sản phẩm ong hợp lý, không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ong, tốt nhất là áp dụng Quy trình thực hành nuôi ong tốt và phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng mật ong mà mình bán ra.

Đối với cơ sở kinh doanh, cần xây dựng và quản lý hệ thống vệ tinh người nuôi ong cho đơn vị mình như là một "hợp tác xã nuôi ong". Các vệ tinh nuôi ong có thể là cá nhân hoặc nhóm hộ nuôi ong có kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất mật ong với chất lượng tin cậy.

Bà Lan cho rằng, để nâng cao chất lượng đàn ong, cần nhập giống ong mới để lai tạo và cải tiến giống ong trong nước; đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo kỹ thuật viên để kiểm tra hàm lượng các chất tồn dư kháng sinh. Ngăn chặn các sản phẩm của ong kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam để tái xuất. Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao cho nuôi ong và thu hoạch sản phẩm; tăng cường tuyên truyền quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng tác dụng của nuôi ong đối với việc thụ phấn cây trồng.

Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Vân, Giám đốc Công ty CP Ong mật Đắk Lắk, nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh tuyên truyền giải thích về lợi ích của ong mật đối với thụ phấn cho cây trồng, cho phép người nuôi được đặt thùng nuôi ong trên các địa bàn có thảm thực vật cũng như cây trồng nông nghiệp nhằm phát triển, khai thác sản phẩm từ ong, phát triển đàn ong tham gia thụ phấn cho cây trồng”.

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho hay: “Ngành ong phát triển nhanh nhưng hệ thống văn bản quản lý sản xuất kinh doanh chưa đầy đủ. Tất cả các nước trên thế giới đều có luật quy định đặt ong trên từng cây trồng. Do vậy ,cần có nghiên cứu, quy hoạch cụ thể, trên cơ sở đó phối hợp với người nuôi đưa ra quy chế...”.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện Cục đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chăn nuôi ong mật, trong đó quy định khoảng cách đặt trại ong, thùng ong. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính đang xem xét bãi bỏ một số loại phí, lệ phí thú y nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Cộng với việc Việt Nam sắp trở thành thành viên của TPP, chắc chắn sản phẩm mật ong sẽ còn vươn xa, cho nông dân thêm những mùa mật ngọt.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập402
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm399
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại801,907
  • Tổng lượt truy cập90,865,300
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây