Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam cho biết: 3 năm qua, tranh thủ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; sự phối hợp của chính quyền các cấp, MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam đã chủ trì; phối hợp cùng các tổ chức thành viên phát động, triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tới các tầng lớp nhân dân và tới khắp địa bàn khu dân cư trong tỉnh.
Quá trình triển khai, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân ở địa bàn khu dân cư trong tỉnh tập trung thực hiện 5 nội dung chính của CVĐ, gồm: đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng đời sống văn hóa; chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện “đền ơn, đáp nghĩa”, các hoạt động “tương thân, tương ái”; đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, thực hiện giám sát, phản biện xã hội, xây dựng hệ thống chính trị...
Không chỉ đóng góp tiền bạc, nhân dân ở nhiều địa bàn khu dân cư trong tỉnh Hà Nam đã hiến, góp hàng nghìn m2 đất thổ canh, thổ cư, hàng vạn ngày công để nâng cấp, làm mới các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa, thôn xóm, cổng làng, làm thay đổi diện mạo làng quê Hà Nam.
Cụ thể, trong 3 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 86,43 tỷ đồng để làm đường giao thông, nhà văn hóa; hiến 1. 477 m2 đất (trị giá 1,249 tỷ đồng); góp 37.221 ngày công, trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong 2 năm 2016-2017 toàn tỉnh đã làm mới, nâng cấp 13.703 km đường giao thông nông thôn.
Kết quả thực hiện CVĐ được nhìn nhận đã tác, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của tỉnh Hà Nam trong những năm qua; đặc biệt đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh; góp phần đưa tỉnh Hà Nam đến hết 2017 đã có 78/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện Duy Tiên, Kim Bảng chuẩn bị được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Tuy nhiên, theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam, qua 3 năm thực hiện CVĐ đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế. Trong đó, ở một số nơi một số cấp ủy, chính quyền và Mặt trận chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện CVĐ ở một số nơi chưa sâu, rộng do đó nhận thức về nội dung, ý nghĩa, trách nhiệm thực hiện của nhân dân còn hạn chế.
Công tác phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức thành viên có việc chưa chặt chẽ; việc tổ chức khảo sát, đánh giá, nắm bắt tình hình ở cơ sở có lúc chưa kịp thời. Hiệu quả thực hiện CVĐ ở một số khu dân cư còn hạn chế. Nguồn lực thực hiện CVĐ chưa được quan tâm và chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ nguồn xã hội hóa, nhất là ở cấp cơ sở...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, việc triển khai CVĐ trong giai đoạn mới có thuận lợi là đến nay, chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện CVĐ đã đầy đủ, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khó khăn là các địa phương chưa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều là những địa phương có những hạn chế, khó khăn, cần tập trung nhiều hơn cả về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như huy động nguồn lực.
Từ đó, Phó Chủ tịch cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, để CVĐ tiếp tục được triển khai sâu rộng, mang lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực, với vai trò, trách nhiệm của mình, MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi nhà hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương châm, cơ chế thực hiện, qua đó chung sức, đồng lòng tham gia thực hiện.
“Đối với những xã, những huyện chưa đạt đủ các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới phải tuyên truyền, vận động, cả thuyết phục để nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện đạt đủ các tiêu chí. Với những nơi đã đạt chuẩn cũng cần tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Nhiều cá nhân, tập thể được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam biểu dương, khen thưởng sau 3 năm thực hiện CVĐ.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị, với vai trò, chức năng của mình, MTTQ các cấp tỉnh Hà Nam cần thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội.
“Giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên vừa phải có sự phối hợp vừa phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể trong giám sát, qua đó đảm bảo tính chuyên sâu. Đơn cử, giám sát chất lượng vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp thì không tổ chức nào phù hợp hơn hội nông dân”, Phó Chủ tịch gợi ý.
Mặt khác, Phó Chủ tịch đề nghị trong năm 2018, ngoài việc triển khai tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư”, MTTQ tỉnh Hà Nam cần thực hiện tổng kết 15 năm việc tổ chức ngày hội này, để thấy rõ hơn tác dụng, ý nghĩa cũng như những hạn chế, những điểm cần đổi mới, điều chỉnh cho phù hợp.
Hiện tại, các cấp ủy đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương khóa 12 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phó Chủ tịch đề nghị một mặt MTTQ các cấp trong tỉnh phải làm cốt công tác tham mưu cho cấp ủy ở địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, mặt khác MTTQ các cấp trong tỉnh cần gương mẫu trong việc thực hiện.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch đề nghị MTTQ các cấp trong tỉnh Hà Nam cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc lấy ý kiến về sự hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận.
“Mục đích của xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Do vậy, chỉ khi nào nhân dân nhận thấy qua xây dựng nông thôn mới cuộc sống của mình tốt hơn, đủ đầy hơn, bình an hơn khi đó kết quả xây dựng nông thôn mới mới thể hiện sự thực chất. Chính vì vậy, Mặt trận phải làm tốt công tác lấy ý kiến về sự hài lòng của nhân dân. Việc này, một mặt nhằm mục đích đánh giá được kết quả thực chất của xây dựng nông thôn mới, mặt khác nhằm kịp thời nắm bắt được những vấn đề người dân chưa đồng tình, chưa hài lòng qua đó giúp Mặt trận kịp thời có tiếng nói phản ánh, đề xuất, kiến nghị...”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Theo Duy Hưng - Việt Linh/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã