Thực hiện Chương trình nông thôn mới, cả nước có 5 huyện được Trung ương chọn làm huyện điểm. Đó là cấc huyện Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Phú Ninh (Quảng Nam), K’Bang (Gia Lai), Phước Long (Bình Phước). Ngoài ra còn có thêm huyện Hòa Vang do Đà Nẵng lựa chọn.
Trong các huyện điểm, huyện Phước Long và Đơn Dương đã và đang có những cách tiếp cận hay, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Xin giới thiệu bài viết mô hình huyện điểm Đơn Dương hướng về phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Sau khi được chọn làm huyện điểm của tỉnh Lâm Đồng để xây dựng huyện NTM, huyện Đơn Dương đã có những chỉ đạo khá quyết liệt nhằm huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện và đến cuối năm 2013, kết quả mang lại đã chứng minh được sự lựa chọn đó là đúng đắn. Từ kết quả này, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Đơn Dương trong 2 năm 2014 và 2015 tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên đầu tư phát triển SXNN, tăng cường hơn nữa việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX, tăng diện tích SXNN công nghệ cao và phát triển đàn bò sữa của địa phương để nâng cao thu nhập cho người SX, cân đối hợp lý tỷ trọng giữa chăn nuôi và trồng trọt trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện...
Ông Thái On, Bí thư Huyện ủy, cho biết, đến cuối năm 2013, Đơn Dương đã có 2 xã là Quảng Lập và Lạc Lâm cơ bản đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM, 3 xã đạt từ 15 - 17 tiêu chí và 3 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí. Trong tổng diện tích rau thương phẩm gieo trồng được trong năm 2013 của huyện là 22.918 ha với sản lượng đạt gần 734.600 tấn thì diện tích được ứng dụng công nghệ cao đã chiếm khoảng 70%; đạt doanh thu bình quân 120-150 triệu đồng/ha/năm, riêng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân trên 250 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những diện tích đạt hơn 1 tỷ đồng.
Về chăn nuôi, cũng theo ông Thái On, Đơn Dương đã chọn việc lấy đàn bò sữa làm trọng tâm để tăng thu nhập cho người dân và phát triển xây dựng NTM. Tính đến cuối năm 2013, trong tổng số 6.400 con bò sữa của toàn tỉnh Lâm Đồng thì đàn bò sữa của huyện Đơn Dương chiếm đến 5.245 con (trong đó, bò sữa trong hộ cá thể chiếm 3.247 con).
Về thu nhập bình quân đầu người, trong khi các huyện khác của tỉnh Lâm Đồng được ghi nhận ở mức trên dưới 29 triệu đồng hiện nay thì huyện Đơn Dương đã vượt lên ở mức cận kề mức thu nhập bình quân chung của cả tỉnh: 36 triệu đồng so với 38,4 triệu đồng. Cũng xin được nói thêm, mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2010 của Đơn Dương chỉ mới đạt 18,3 triệu đồng; nay, con số 36 triệu đồng này của Đơn Dương chỉ đứng sau một số trung tâm lớn của Lâm Đồng như Đà Lạt, Bảo Lộc... mà thôi.
Những điểm nhấn tiêu biểu
Với định hướng trên, có thể nói, trên hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu cấp huyện theo chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng, Đơn Dương đã chọn hai lĩnh vực căn bản làm "đột phá khẩu" để phát triển công nghệ cao trong xây dựng NTM là trồng trọt (cụ thể là rau công nghệ cao) và chăn nuôi (cụ thể là bò sữa công nghệ cao).
Để tìm hiểu thêm về "đời sống thực" của NTM huyện Đơn Dương trong dân thế nào, chúng tôi đã chọn địa bàn xã Đạ Ròn làm một trong những điểm đến (cũng xin được lưu ý, Đạ Ròn không nằm trong 2 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM của huyện Đơn Dương).
Tại Đạ Ròn, khi đưa lời đề nghị cho mấy anh cán bộ xã và cả "thăm dò" ở một số hộ dân, ai cũng khuyên chúng tôi nên tìm hiểu mô hình trồng rau công nghệ cao trước đã. Nói đến lĩnh vực trồng rau tại Đạ Ròn, trước hết phải kể đến mô hình của ông Đinh Xuân Toản.
Ông Toản bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn Global GAP ngay từ hồi năm 2007 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và "khoanh vùng" nguyên liệu đến tận Đơn Dương (xã Đạ Ròn của huyện Đơn Dương nằm giáp giới với huyện Đức Trọng). Vậy là ông Toàn bị "cuốn" vào cái guồng trồng rau Global GAP của METRO.
Theo lời tâm sự của ông Toàn thì lúc đầu cũng có "cảm giác" khó chịu với cái kiểu ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó..., nhưng riết rồi cũng quen và với lại, đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn XK nên không thể khác được. Vậy là ông Toàn tham gia vào guồng SX này.
Tiếp đến, vài năm sau, khi luồng gió NTM thổi vào xã Đạ Ròn, ông Toản tiếp tục "nâng cấp" cách nghĩ, cách làm của mình lên một bước cao hơn là không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong SX trên mảnh đất của mình mà ông Toàn còn liên kết với nhiều trang trại khác trên địa bàn huyện Đơn Dương để tăng thêm sức mạnh của các trang trại và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Đến giờ, ở Đạ Ròn, ông Toàn khá nổi tiếng bởi không chỉ vì thu nhập (mỗi hecta đất canh tác của ông cho trên dưới 500 triệu mỗi năm) mà còn vì trang trại của ông là trang trại thường xuyên tiên phong trong việc thử nghiệm các giống cây trồng mới và thử nghiệm những cách làm mới.
Gần đây, dù chỉ làm thử nghiệm kiểu canh tác thủy canh giống cà tím và cà chua thôi nhưng thu nhập của ông Toàn từ mô hình này nếu tính ra cũng lên đến gần tỷ đồng trên diện tích 1 ha mỗi năm.
Cũng tại xã Đạ Ròn, một trong những hộ nông dân người dân tộc thiểu số được Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đơn Dương ghi nhận chăn nuôi bò sữa đầu tiên là hộ ông K'Lan.
Ông K'Lan cho biết: Gia đình mình học người Kinh chăn nuôi bò sữa được 7 năm nay rồi. Lúc đầu chỉ nuôi một, hai con thôi. Vừa nuôi, vừa học hỏi người Kinh, vừa tham gia các lớp tập huấn của cán bộ chuyên môn nên đến giờ, trong chuồng nhà mình đã có 7 con bò sữa. Về kỹ thuật thì mình nắm kỹ và thường xuyên cập nhật những kiến thức mới nên năng suất sữa của bò trong chuồng mình khá cao - trung bình mỗi ngày một con cho 23 lít.
Có thể so sánh giữa hộ ông K'Lan với các hộ khác trong vùng: Ở Đơn Dương, năng suất sữa của bò sữa được ghi nhận là khá cao nhưng bình quân mỗi con cũng chỉ 20 lít mỗi ngày. Ông K'Lan còn cho biết thêm, trong 7 năm nuôi bò sữa, gia đình ông còn có thêm một nguồn thu khác là từ 17 con bê do bò mẹ trong chuồng đẻ ra.
"Cứ tính trung bình, bê con sau khi đẻ nuôi khoảng 4 tháng là mình bán với giá thấp cũng được 25 triệu đồng/con", ông K'Lan không giấu nguồn thu nhập của gia đình.
Trước khi rời Đơn Dương, chúng tôi được Hội Nông dân huyện cung cấp thêm một vài số liệu: Hiện toàn huyện Đơn Dương có 6.431 hộ nông dân được công nhận là nông dân SX - kinh doanh giỏi từ cấp xã đến cấp Trung ương, tăng thêm 2.748 hộ so với năm 2008. Đặc biệt, nếu 5 năm trước, Đơn Dương chỉ có vài hộ nông dân SX giỏi cấp Trung ương thì nay con số đó đã lên trên 20 hộ.
Điều này cho thấy, cách làm trong phong trào xây dựng NTM của huyện Đơn Dương không những phù hợp với chủ trương chỉ đạo của cấp tỉnh mà còn rất hợp với lòng dân nên được cấp xã, được người dân hưởng ứng, nhiệt tình cùng dốc sức vào tham gia thực hiện cùng với chính quyền.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Tỉnh vẫn giữ quan điểm chỉ đạo là đến năm 2015, Đơn Dương phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu của tỉnh. Do vậy, ngoài ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển SX và tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, tỉnh còn yêu cầu Đơn Dương trong thời gian tới phải tiến hành rà soát việc thực hiện các tiêu chí; phối họp với Sở NN-PTNT xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường công tác vận động và hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác...
(Nguồn: Tienphong.vn. Biên tập và sửa: Đặng Cường)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã