Bởi chính sự liên kết này đã tạo ra chuỗi giá trị hàng hoá dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động... ở địa phương, không những mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân mà cho toàn xã hội.

Theo đó, ngành nông nghiệp Gia Lai đã định hướng và triển khai các giải pháp tích cực nhằm tập trung xây dựng mối liên kết này giữa nông dân với doanh nghiệp ngày càng bền vững và có trách nhiệm. Trước mắt, giải pháp xây dựng cánh đồng lớn cho các loại cây trồng được coi là "điểm nhấn" trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong nông dân ở những vùng có điều kiện để tiến tới tự nguyện góp đất canh tác và cùng với doanh nghiệp đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản lượng cho từng loại cây trồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích khoảng 18.000 ha cho 5 đối tượng cây trồng chính, đó là cà phê (3.700 ha), mía (5.000 ha), sắn (5.000 ha), lúa nước (3.700 ha) và hồ tiêu (500 ha). Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp có ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hoá về lãi suất vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, ngành còn phối hợp chặc chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã đã có nhằm đào tạo nguồn nhân lực cao và thực sự trở thành "bà đỡ" cho nông dân trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị. Nghiên cứu hình thành các tổ chức sản xuất hàng hoá nông sản theo nhóm hộ, tổ đội sản xuất chuyên canh theo từng địa bàn xã, thôn; khuyến khích nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp. Hỗ trợ nông dân trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá các loại sản phẩm, nhất là các loại sản phẩm an toàn thực phẩm được cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng biết và sử dụng ngày càng nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay tỉnh Gia Lai đã thực hiện có kết quả chủ trương liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế nông nhiệp ở địa phương phát triển theo hướng bền vững. Xuất phát từ những lợi thế của địa phương, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn đầu tư và cùng với nông dân hình thành nên các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá và nguyên liệu khá lớn với khoảng 38.000 ha mía nguyên liệu, trên 63.000 ha sắn, 51.000 ha ngô, 75.000 ha lúa... và các loại cây công nghiệp dài ngày với hơn 100.000 ha cao su, 80.000 ha cà phê, gần 20.000 ha điều và 15.000 ha hồ tiêu. Các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn còn sử dụng khoảng 26.000 lao động, đặc biệt trong đó có 10.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân trong các công ty, nông lâm trường.

Từ sự liên kết bền chặt giữa nông dân với doanh nghiệp đã tạo bước đột phá trong việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, dần đưa các giống mới vào thay thế và trở thành những loại cây trồng chủ lực mang nhiều yếu tố bền vững và ứng dụng có hiệu quả các biện pháp tiên tiến vào trong sản xuất. Những hộ nông dân có tham gia vào mối liên kết này trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều có mức thu nhập khá bởi năng suất cao và giá bán ra thị trường tương đối ổn định; có những hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng qua mỗi vụ sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất nông sản hàng hoá, trong đó có khoảng 700 hộ sản xuất theo phương thức kinh tế trang trại có quy mô lớn, đầu tư mua sắm khoảng 100.000 máy móc, thiết bị, động cơ các loại phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trong khâu làm đất và thâm canh./.

 

Văn Thông/TTXVN