Liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu của thế giới. Trong nước, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng và kiểm soát “đường đi” của nông sản, trong đó có việc chăn nuôi lợn sạch. Vấn đề đặt ra là mô hình nào hợp lý và nhất quán giữa các địa phương.
Mục đích của chuỗi phải chia sẻ được lợi nhuận các bên tham gia và đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: Nguyên Vỹ) |
Sau các đợt biến động giá lợn (giá heo) vừa qua, Cục Chăn nuôi đánh giá khả năng cạnh tranh của thịt lợn chưa cao; công tác dự báo, cảnh báo cung cầu còn khó, thị trường tiểu ngạch và độc quyền không thể bền vững nhưng cũng không thể điều tiết cung cầu bằng mệnh lệnh hành chính hay vận động hỗ trợ…
Nhìn qua “hàng xóm”
Theo ông Võ Trọng Thành - đại diện dự án chuỗi thịt lợn VIP Hà Nội, chuỗi chăn nuôi trong nước hiện có nhiều tác nhân tham gia chuỗi cung ứng nhưng lại chưa hoàn thiện đến sản phẩm cuối cùng. “Trong chuỗi, vẫn chưa coi bên nào là cốt lõi để kiểm soát, chưa có giải pháp gắn kết và xử lý tranh chấp giữa các tác nhân, phần thua thiệt vẫn thuộc về nông dân” - ông Thành đánh giá.
Chia sẻ kinh nghiệm ở các nước, ông Thành kể, tại Hà Lan có Hiệp hội SecureFeed gắn kết các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty giống, các trại, nhà máy giết mổ. SecureFeed sẽ quyết định sản lượng, giám sát chất lượng, cân đối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia.
Với quy mô nhỏ hơn, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Nhật Bản thường mang tính địa phương, vùng, nhưng lại là kênh tiêu thụ chính nông sản. Các bên hợp tác chặt chẽ cả trong phân phối chứ không chỉ sản xuất. HTX sẽ thực hiện hai nhiệm vụ cung cấp yếu tố đầu vào để phục vụ sản xuất và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ và bán hàng dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia, quốc tế.
Mô hình HTX tại Hàn Quốc lại được vận hành như điều hành một tập đoàn chuyên nghiệp. Gần gũi với Việt Nam nhất là mô hình chăn nuôi gia công tại Thái Lan, Đài Loan. Các doanh nghiệp coi sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống là nòng cốt liên kết với nông dân. Trong nước cũng có các công ty như C.P, Dabaco, Greenfeed… đang triển khai.
“Điểm khác biệt của họ là tổ chức liên kết sản xuất với thị trường, các doanh nghiệp tham gia chế biến và phân phối, hợp tác chặt chẽ, quản lý tốt giết mổ ở các thành phố” - ông Thành nhấn mạnh.
Nỗ lực “xây chuỗi”
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cũng đồng tình: “Các nông hộ đứng ngoài chuỗi sẽ khó tồn tại khi chưa chủ động được thị trường, thức ăn chăn nuôi dù số lượng nuôi lớn”.
Tỉnh Đồng Nai cũng có các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy chăn nuôi. Hàng năm, tỉnh hỗ trợ ngân sách để các cơ sở chăn nuôi gà, lợn tham gia chuỗi, chia làm 3 lần: lần một 100%, lần hai 75%, lần ba 50%. Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 40 – 50% cơ sở chăn nuôi có chứng nhận VietGAHP và truy xuất được nguồn gốc để tham gia vào thị trường an toàn thực phẩm.
Tại TP.HCM, từ năm 2013, thành phố đã triển khai đề án liên kết tiêu thụ nông sản từ trang trại đến tiêu thụ với 3 đơn vị tham gia liên kết với hơn 30 trại ở các tỉnh. Nhưng chuỗi này hiện chỉ cung cấp sản lượng bình quân ra thị trường khoảng 1.300 con/ngày, chiếm 10% thị phần tiêu thụ thịt lợn toàn thành phố.
Mô hình chuỗi thứ hai là ký kết tiêu thụ sản phẩm thịt lợn được chứng nhận VietGAHP tại các tỉnh thông qua 2 đơn vị là Công ty Vissan (1.000 – 1.200 con/ngày) và Công ty An Hạ (200 con/ngày).
Theo ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, thành phố sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm hoàn chỉnh. TP.HCM hiện có chính sách hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận VietGAHP; 30% chi phí hỗ trợ xây dựng chuồng trại để đảm bảo tiêu chuẩn cũng như chính sách hỗ trợ vốn vay để đầu tư chăn nuôi lợn.
Quyết định số 323 phê duyệt cấp kinh phí 200 tỷ đồng xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. Nông dân TP.HCM và các tỉnh thành đều nhận được hỗ trợ với điều kiện tham gia chuỗi của TP.HCM và cam kết đưa sản phẩm về TP.HCM tiêu thụ./.
Theo Nguyên Vỹ/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã