Xưởng cơ khí sản xuất hàng inox của anh Phạm Văn Khánh ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu). |
Anh Phạm Văn Khánh (SN 1984) trong một gia đình có đông anh chị em. Cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên hoàn cảnh rất khó khăn. Không có điều kiện ăn học, nên anh Khánh đã phải nghỉ học để đi làm ở miền Nam kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trải qua nhiều nghề kiếm sống, anh Khánh đã quyết định học nghề cơ khí để sau này có điều kiện về quê lập nghiệp. Sau khi học nghề thành thạo, năm 2011 anh về quê vay mượn ngân hàng, người thân được 50 triệu đồng và bắt đầu bắt tay vào việc mở xưởng cơ khí.
Thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách đặt hàng còn ít, sản phẩm không bán được, trong khi đó lương vẫn phải trả đều cho công nhân. Để duy trì xưởng, có lúc anh Khánh phải vay tiền với lãi suất cao. Mặc dù vậy, anh vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ làm giàu. Để khách biết đến xưởng của mình, ngoài việc tìm kiếm thị trường thì anh còn khẳng định chất lượng trên những sản phẩm mà mình làm ra. Xưởng cơ khí của anh Khánh chuyên sản xuất các mặt hàng chuyên về inox như lan can cầu thang, lan can kính, cửa cổng… “Nhờ tìm kiếm được thị trường, nắm được nhu cầu của khách hàng nên việc sản xuất và bán sản phẩm có phần thuận lợi hơn trước. Thị trường được mở rộng ra các xã lân cận và một số huyện bạn”. Anh Khánh chia sẻ.
Có được những thành công bước đầu, năm 2016, anh Khánh đầu tư thêm 300 triệu đồng mở rộng xưởng lên 4.000m2 và mua sắm một số máy móc chuyên dụng. Để kịp thời cung ứng các sản phẩm ra thị trường, anh tiếp nhận một số lao động tại địa phương để dạy việc, tạo nghề. Hiện tại, xưởng cơ khí của anh có 5 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Các sản phẩm inox được làm ra rất đa dạng nên được khách hàng trong và ngoài huyện sử dụng rộng rãi, thậm chí xuất khẩu sang nước bạn Lào. Hiện nay, anh không chỉ nhận các đơn hàng sản xuất lắp đặt tại hộ gia đình mà còn nhận sản xuất cho các cửa hàng lớn chuyên về mặt hàng inox.
Chia sẻ về công việc để giữ thị trường và khách hàng, anh Khánh cho biết, cơ sở luôn sản xuất theo nhu cầu của thị trường; khách hàng cần mẫu mã, kiểu dáng gì thì phía cơ sở sẽ đáp ứng toàn bộ, tránh việc không đáp ứng được nhu cầu khiến cơ sở mất khách hàng và sẽ rơi vào khó khăn.
Với sự táo bạo và nhanh nhạy trong làm ăn, xưởng cơ khí của anh Khánh đang đà phát triển mạnh với sản phẩm làm ra đẹp, chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Từ sản xuất cơ khí, mỗi năm anh Khánh thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm; ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Hoàng Đình Tiến, một công nhân làm việc tại xưởng của anh Khánh cho biết, toàn bộ sản phẩm đều làm bằng máy nên công việc cũng không vất vả lắm. Cơ sở luôn có nhiều đơn đặt hàng, nhất là thời điểm từ tháng 2 đến tháng 7 và cuối năm. Làm việc ở đây, chúng tôi được trả lương 8-10 triệu đồng/tháng.
Ngoài tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh Khánh còn là một trong những thanh niên có những hoạt động tích cực tại địa phương. Là người theo đạo Công giáo nhưng anh Khánh luôn có tâm niệm sống “tốt đời đẹp đạo” để cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tác giả bài viết: Thúy Nga - Hùng Việt
Nguồn tin: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã