Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn huyện Gio Linh làm điểm dừng chân đầu tiên. Bởi vì Gio Linh có đội tàu đánh cá mạnh nhất tỉnh, vừa khai thác biển hiệu quả, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thủ tướng động viên ngư dân huyện nhà quyết tâm hơn nữa để khai thác kinh tế biển. Việc Gio Linh chọn kinh tế biển làm mũi nhọn phát triển là hướng đi có tầm chiến lược. Buổi chiều, chứng kiến ngư dân Gio Linh khai thác về nào là cá thu, cá ngừ… đầy tàu Thủ tướng rất mừng.
Ông Trương Chí Trung, Bí thư Huyện ủy cho biết, phát triển kinh tế biển đang trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của huyện. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề thủy sản được đầu tư, dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hoạt động thu mua và chế biến hải sản phát triển tương xứng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (đội mũ cối bên phải) và ông Trương Chí Trung (bìa phải) thăm ngư dân biển Gio Việt |
Trên địa bàn có 1 cơ sở đóng tàu, hàng năm đóng mới từ 4 - 5 tàu vỏ thép, 10 - 15 tàu vỏ gỗ, sửa chữa khoảng 200 tàu cá các loại. Có 4 cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, 2 tàu cung ứng xăng dầu trên biển, 1 trạm cung cấp xăng dầu trên bờ, 15 kho đông lạnh phục vụ kịp thời hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Huyện đã tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh để xây dựng bến cá Cửa Việt với tổng đầu tư gần 27 tỷ đồng, giúp ngư dân thuận lợi trong việc buôn bán thủy hải sản.
Gio Linh còn có các mô hình nuôi trồng thủy sản, như nuôi cá-lúa dọc sông Cánh Hòm Gio Mỹ,Trung Hải; nuôi cá chình lồng ở Gio Hòa, Gio Bình; cá vược lồng bè trên sông Cửa Việt; nuôi tôm thâm canh trên cát, nuôi xen ghép tôm - cua - cá tại Trung Giang đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Đến nay, huyện có 21 tàu đóng mới, 86 tàu nâng cấp theo NĐ 67, nâng tổng số tàu, thuyền lên gần 900 chiếc, bằng ½ đội tàu cá của tỉnh Quảng Trị, trong đó có 171 tàu xa bờ, tăng 139 tàu so với năm 2008. Từ khai thác biển mà ngư dân xây dựng được nhà kiên cố 2- 3 tang, thu nhập không ngừng nâng cao.
Ngoài kinh tế biển, huyện có xã Gio Quang nổi tiếng với đội máy gặt đập liên hợp 21 chiếc, mạnh nhất tỉnh Quảng Trị. Mỗi chiếc máy được các nông dân đầu tư từ 700 triệu đến gần 1 tỷ đồng.
Khi lúa chín, đội máy này chỉ cần ra quân 1 đến 2 ngày là giúp bà con thu hoạch xong lúa, thời gian còn lại đi gặt thuê. Trung bình sau một vụ lúa, mỗi chủ máy lãi 250 triệu đồng nhờ gặt thuê. Hiện xã Gio Quang 100% cơ giới hóa SX nông nghiệp, trở thành xã có nông dân sống khỏe nhờ làm nghề nông.
Ông Trương Chí Trung phân tích, với lợi thế 3 vùng kinh tế: gò đồi và miền núi; đồng bằng và vùng cát; miền biển có bờ biển dài 16km, 2 cửa lạch, các tuyến giao thông quan trọng như QL1A, đường Hồ Chí Minh, các tỉnh lộ 75, 74, 76, trên địa bàn có KCN Quán Ngang, khu du lịch - dịch vụ Cửa Việt, rất thuận lợi để Gio Linh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính (bên phải) động viên nông dân Gio Linh làm lúa hữu cơ |
Với các cây truyền thống hồ tiêu, cà phê… và cây trồng mới như cao su, cây bơ…, Gio Linh đã hình thành vùng SX chuyên canh tập trung kết nối với thị trường tiêu thụ. Diện tích cao su tiểu điền gần 3.800ha, cây hồ tiêu gần 500ha (so với năm 2008 tăng 1.852ha cao su, 100ha hồ tiêu), cây nghệ 300ha, sả 165ha. Diện tích gieo trồng lúa 2 vụ 8.500ha, trong đó lúa chất lượng cao 6.100ha, chiếm 73%.
Trong xu thế chung, huyện Gio Linh kêu gọi các DN và người dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học BVTV, phát triển lúa sạch, lúa hữu cơ để bán giá cao, lại bảo vệ được sức khỏe người nông dân trực tiếp SX cũng như người tiêu dùng. Hiện lương thực bình quân đạt 550 kg/người/năm, tăng 130kg so với năm 2008.
Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Có 4 xã đạt chuẩn NTM chiếm 21,5% số xã, bình quân các xã đạt 14,7 tiêu chí, dự kiến năm 2018 có thêm 4 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 08 xã, tỷ lệ 42%.
Kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo hướng ưu tiên phát triển SX, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phòng, tránh thiên tai. Các công trình hồ đập thuỷ lợi được xây mới và nâng cấp, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo tưới cho lúa 2 vụ và các cây trồng khác đạt 80%.
Gio Linh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 8 công trình hồ, đập nhỏ, 2 hệ thống hồ Hà Thượng, hồ Trúc Kinh, xây dựng mới 3 trạm bơm; kiên cố hóa hệ thống kênh mương được 152km, xây dựng mới 21km đê, kè chống sạt lở bờ sông Bến Hải, sông Hiếu.
Cơ giới hóa trong SXNN ở Gio Linh |
Mạng lưới giao thông liên vùng, liên xã được nâng cấp, xây dựng mới ngày càng hoàn thiện. Đã nâng cấp và xây mới được 407km đường giao thông, trong đó 113km đường trục huyện, liên xã, 52km đường xã, 242km đường giao thông thôn, xóm, nội đồng…100% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã, đảm bảo thông suốt.
Tuy Gio Linh đạt được nhiều dấu ấn sau 10 năm thực hiện NQ 26 về tam nông nhưng vẫn đối diện các khó khăn, thách thức. Kinh tế phát triển không đều giữa 3 vùng. Nền kinh tế dựa vào SX nông nghiệp, 85% dân số là nông dân, tích lũy nội bộ thấp, nguồn lực đầu tư phát triển SX, xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế, dư địa đất đai để phát triển còn ít.
Từ những năm 1980, Gio Linh phải chịu chính sách thí điểm trồng cao su đại điền phục vụ Cty Cao su Quảng Trị. Đã có gần 4 ngàn ha đất đỏ bazan màu mỡ của 7 xã miền Tây Gio Linh đã bị sung vào diện tích Cty cao su, trong lúc chỉ có dưới 1 ngàn lao động được tuyển làm công nhân. Từ đó, nông dân các xã miền Tây thiếu đất SX, sinh sống.
Làm một phép tính đơn giản sẽ biết nông dân miền Tây Gio Linh mất mát lớn đến đâu. Tính trung bình 4 ngàn ha đất đỏ chia cho 4 ngàn hộ nông dân SX mô hình nông nghiệp trị giá 100 triệu đồng/ha/năm thì mỗi năm nông dân miền Tây Gio Linh thu về từ 4 ngàn ha đất ấy được 400 tỷ đồng.
Trong lúc đó theo Cục Thuế tỉnh, mỗi năm Cty Cao su Quảng Trị chỉ nộp ngân sách trung bình 10 tỷ đồng, một con số quá ít so với sở hữu diện tích đất quá lớn. Chưa kể, huyện còn có 11 ngàn ha đất rừng đã thuộc về BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Nhiều chủ tịch các xã miền tây Gio Linh ao ước, giá như 15 ngàn ha đất ấy (đất rừng và cao su) thuộc về người dân thì nông dân giàu cỡ nào!
Trong cái khó, Gio Linh đã có hướng đi đúng là phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển và dịch vụ ven biển làm động lực chính. Ông Trương Chí Trung, Bí thư Huyện ủy cho biết, huyện tập trung các nguồn lực triển khai chương trình phát triển kinh tế vùng biển, phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi.
Ngư dân huyện Gio Linh trúng đậm cá thu |
Gio Linh đã thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Gio Linh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”; xác định cơ cấu lại nông nghiệp trên các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt và nội ngành để không ngừng cải thiện đời sống người dân.
Gợi ý cho huyện Gio Linh phát triển giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện tiếp tục thực hiện NQ 26 lên tầm cao mới, phải xem nông dân là chủ thể, là trung tâm sự phát triển để phát huy tính cần cù, sáng tạo của nông dân; nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX nông nghiệp, đặc biệt chú trọng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư để tăng năng suất, chất lượng nông sản và giá trị trên đơn vị diện tích… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã