Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Vi Văn Nấm, xã Đồng Tiến tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Sức bật từ “kinh tế xanh”
Xác định rõ cây, con chủ lực trong chương trình nâng cao chất lượng sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011 - 2015, Yên Thế đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ từ nhiều nguồn vốn. Giai đoạn 2009 - 2015, huyện thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Hằng năm các hộ đều được hỗ trợ giống bạch đàn và keo lai để phủ xanh đất trống đồi núi trọc; trồng cây phân tán, chuyển giao kỹ thuật thâm canh rừng. Nhờ vậy, chu kỳ thu hoạch được rút ngắn, năng suất rừng trồng tăng dần qua các năm.
Anh Nguyễn Đình Mến, thôn Quỳnh Lâu, xã Tam Tiến kể, cách đây 20 năm, anh đã trồng rừng, diện tích mở rộng đến nay khoảng 36ha. Để tăng năng suất, sản lượng gỗ, hằng năm anh tìm chọn những giống bạch đàn, keo lai mới để thay thế giống cũ.
Với diện tích hiện có, mỗi năm khai thác gỗ 1 lần, diện tích luân phiên 6 ha, thu hàng tỷ đồng. Còn anh Triệu Ngọc Túc ở bản Rừng Phe, xã Tam Tiến từ năm 1993 đã nhận 45ha đất lâm nghiệp để trồng rừng, mỗi năm khai thác 5ha, thu lợi hàng trăm triệu đồng. Từ nghèo đói, anh trở nên giàu có với cơ ngơi bạc tỷ.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện, Yên Thế hiện có hơn 13 nghìn ha rừng sản xuất, chiếm gần 50% tổng diện tích đất tự nhiên. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nên người dân tích cực trồng lại, chuyển diện tích cây ăn quả có giá trị thấp sang trồng rừng với khoảng 1,2 nghìn ha/năm. Để có đầu ra thuận lợi, tăng giá trị sản phẩm, huyện khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng các cơ sở chế biến gỗ, thu mua lâm sản cho bà con.
Tạo vị thế mới cho cây chè
Cùng với phát triển kinh tế rừng, cây chè ở Yên Thế đã khẳng định được hiệu quả rõ nét. Nhằm tạo vị thế mới cho cây chè, huyện xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất chè nguyên liệu giai đoạn 2011 - 2015. Các hộ tham gia đề án được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha từ ngân sách để trồng mới, 5 triệu đồng/ha cải tạo nương chè già cỗi; được tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn huyện hiện có gần 460 ha chè, tập trung ở các xã như: Xuân Lương, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Tam Tiến, Đồng Vương, Canh Nậu... Nhờ tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh, sản xuất theo quy trình sạch, chè Yên Thế được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, huyện cung cấp ra thị trường gần 1,4 nghìn tấn chè khô, trị giá 30 - 40 tỷ đồng, trong đó có 60% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, EU. Chè xanh bản Ven, xã Xuân Lương được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Vùng chăn nuôi gia cầm quy mô lớn
Kinh tế đồi rừng được kết hợp hiệu quả với chăn nuôi nhờ nhiều giải pháp cụ thể mà huyện đã thực hiện như: Hỗ trợ chăn nuôi gà theo hướng VietGAP giai đoạn 2013 - 2015, hỗ trợ một phần lãi suất vốn vay ưu đãi cho các hộ chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về mặt bằng cho doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm và cung ứng giống cho người dân.
Nhiều hộ dân ở huyện Yên Thế nuôi gà kết hợp trồng rừng cho thu nhập cao.
Đặc biệt huyện phối hợp với Sở Công thương thực hiện 2 mô hình thí điểm chuỗi liên kết: “Chăn nuôi - Thu mua - Tiêu thụ” và “Chăn nuôi - Giết mổ - Tiêu thụ” gà đồi Yên Thế. Đây là hai mô hình khép kín thu hút sự tham gia của đông đảo hộ dân và nhiều thương nhân, doanh nghiệp, bước đầu hình thành cơ chế liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chăn nuôi gà ở Yên Thế đã và đang phát triển mạnh, mỗi năm huyện cung cấp ra thị trường 13 - 15 triệu con gà thương phẩm, doanh thu 1,5 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 nghìn người. Với tổng đàn ổn định, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, Yên Thế trở thành vùng chăn nuôi gia cầm quy mô huyện duy nhất toàn quốc; gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong toàn quốc được cấp chứng nhận nhãn hiệu.
Để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông - lâm nghiệp, UBND huyện Yên Thế đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện các giải pháp tái cơ cấu giống cây rừng, vật nuôi và giống chè. Trong những năm tới, huyện sẽ tập trung khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Hiện nay, phong trào trồng rừng ở Yên Thế phát triển mạnh ở hầu hết các xã, đặc biệt là ở Tiến Thắng, Tam Tiến, Đồng Vương, Xuân Lương, Canh Nậu. Với quy mô khai thác toàn huyện 1 nghìn ha mỗi năm, rừng mang lại cho người dân gần 150 tỷ đồng.
Hải Minh
Theo Báo Bắc Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã