Nâng cao chất lượng hoạt động
Trong năm qua, HLV các cấp trong tỉnh Vĩnh Long đã củng cố và nâng cao chất lượng hội viên; phát triển thêm được hơn 1.000 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên 38.600 người. Qua một năm hoạt động, có 84 cơ sở đạt loại A, 16 cơ sở đạt loại B và 5 cơ sở đạt loại C.
Ông Lưu Thoại Ngọc Đông, Phó chủ tịch HLV tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ được HLV Vĩnh Long xem là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, HLV các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ Hội và hội viên, nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ trong chỉ đạo xây dựng, phát triển kinh tế VAC. Hội còn kết hợp với Chi cục Thủy sản tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Cán bộ Hội các cấp còn được tập huấn về công tác dân vận và kiến thức kinh tế tập thể.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tỉnh mở 16 lớp đào tạo nghề cho hội viên; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, các viện, trường đại học, Sở Khoa học - Công nghệ, Trung tâm Công nghệ sinh học chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển cây ăn trái, chăn nuôi an toàn. Hơn 200 cuộc hội thảo và gần 70 chuyến tham quan mô hình sản xuất giỏi được HLV tỉnh Vĩnh Long tổ chức trong năm 2014.
Cũng trong năm qua, các mô hình sản xuất giỏi và hiệu quả kinh tế cao của HLV tỉnh Vĩnh Long đã trở thành địa điểm tham quan cho các địa phương khác đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Điểm sáng VAC
Phong trào phát triển kinh tế VAC được HLV tỉnh Vĩnh Long chú trọng và đẩy mạnh trong thời gian qua. Theo đó, Hội vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. Từ diện tích vườn có hiệu quả thấp, Hội đã xây dựng thành công những vườn chuyên canh cam sành, xoài, sầu riêng và bưởi Năm Roi cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, diện tích vườn cây ăn trái trong toàn tỉnh đạt 48.000ha, trong đó diện tích vườn già cỗi được cải tạo là 656ha, diện tích vườn trồng mới 194ha. Hội đã xây dựng các dự án trồng nhãn và chăn nuôi heo sinh sản ở các huyện Mang Thít, Trà Ôn, thị xã Bình Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hội viên và nông dân Vĩnh Long cũng đã tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tận dụng những phụ phế phẩm từ vườn phục vụ cho chăn nuôi và chất thải trong chăn nuôi được dùng để bón cho vườn cây ăn trái. Chất thải từ hầm biogas là nguồn thức ăn cho cá và cung cấp một lượng khí đốt cho gia đình. Công tác phòng bệnh truyền nhiễm và vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử độc được các hộ chú trọng.
Nuôi trồng thủy sản tại Vĩnh Long cũng có xu hướng gia tăng về số lượng. Các hội viên đã tổ chức nhiều hình thức nuôi thủy sản như thâm canh, nuôi cá xuất khẩu với diện tích hơn 1.000ha. Diện tích nuôi ao mương vườn hơn 1.000ha, số lồng bè nuôi cá gần 90 chiếc. Mô hình nuôi cá ruộng lúa ở các huyện Mang Thít, Long Hồ, Bình Tân, thị xã Bình Minh với diện tích nuôi gần 120ha đã giúp hội viên tiết kiệm chi phí thức ăn, hạn chế sâu bệnh trên ruộng lúa, góp phần cân bằng sinh thái. Nhiều hộ không sử dụng nông dược vào quá trình sản xuất giúp hạn chế ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi cá lóc trong vèo cũng đang phát triển. Đây là cách làm nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Trong phong trào phát triển VAC, hội viên HLV và nông dân tỉnh Vĩnh Long tích cực xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác, tạo nên lượng hàng hóa tập trung và an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời giảm được chi phí đầu tư, tăng thu nhập. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được 923 mô hình, đạt hơn 150% chỉ tiêu, nâng tổng số mô hình VAC là 13.608 mô hình.
Ông Đông chia sẻ: “Thời gian qua, hội viên HLV tỉnh Vĩnh Long luôn đoàn kết, gắn bó và giúp đỡ nhau làm kinh tế. Hội viên đã tổ chức nhiều cuộc vận động, giúp nhau phát triển kinh tế VAC bằng nhiều hình thức như cho vay, trả chậm không tính lãi, giúp nhau ngày công, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Hội cũng tổ chức được nhiều câu lạc bộ, tổ chuyên môn, tổ hợp tác, trang trại và các điểm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, giúp hội viên tạo được sự liên kết trong sản xuất. Cùng với việc giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội còn vận động các hộ có điều kiện giúp gia đình chính sách, hộ nghèo xây dựng mô hình VAC tình nghĩa, tình thương, góp phần giúp nhiều hộ hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
Thùy Dương
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã