Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho thấy, toàn tỉnh hiện có 13 HTX chuyên về thủy sản, với hàng trăm thành viên và hộ liên kết. Điển hình như HTX nuôi trồng thủy sản (NTTS) Xuân Hòa (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường), HTX thuỷ sản Ngọc Lâm (xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng), HTX NTTS Tây Chùa (xã Yên Trung, huyện Ý Yên)…
Tiếp cận khoa học kỹ thuật
Hoạt động hiệu quả, các HTX thủy sản đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Vào HTX, người dân được tiếp cận nhiều hơn với khoa học - kỹ thuật (KH-KT) trong NTTS thông qua các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh và các tổ chức đoàn thể tổ chức, giúp việc nuôi và chăm sóc thủy sản an toàn và hiệu quả hơn.
Các HTX cũng thể hiện tốt vai trò đại diện tập thể, trực tiếp đứng ra giúp thành viên tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trở thành đại diện pháp lý tổ chức tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra, giá trị của sản phẩm.
HTX cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ tốt nhất cho thành viên, từ cung cấp con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao, đến mở đại lý thức ăn chăn nuôi, bảo đảm nhu cầu của các hộ nuôi trồng với giá thành rẻ hơn thị trường 10 - 20%.
Anh Tạ Văn Hoàn - thành viên HTX thủy sản xã Yên Chính (huyện Ý Yên), chia sẻ: “Vào HTX, chúng tôi được tiếp cận với các KH-KT mới, nuôi trồng thủy sản an toàn, bảo đảm năng suất, chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường”.
“Với hơn 5 mẫu ao nuôi, nhà tôi thu về trên 8 tấn cá mỗi năm, nhờ HTX đứng ra đàm phán, thương lái về ao thu mua, giá cả ổn định. Được bảo đảm đầu vào, đầu ra, chúng tôi yên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng”, anh Hoàn tiếp tục.
An toàn và hiệu quả
Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, HTX cũng đang thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất của người nông dân. Tham gia HTX, thành viên và hộ liên kết thường xuyên được tổ chức tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông.
Được trang bị KH-KT mới, các hộ nuôi trồng áp dụng nhuần nhuyễn các phương pháp chăn nuôi an toàn, bảo đảm an toàn lao động trong quá trình sản xuất, từ sử dụng thức ăn chăn nuôi, đến vận hành các loại máy móc, giúp giảm thiểu tại nạn, bảo đảm môi trường sống.
Khảo sát cho thấy 70% hộ thành viên trong các HTX thủy sản có doanh thu bình quân trên 150 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt 700 - 800 triệu đồng/ năm. Cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả.
Với những hiệu quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Nam Định dự kiến dành nhiều nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn giúp các HTX phát triển, tháo gỡ khó khăn, với tinh thần “chung tay cùng người nông dân khởi nghiệp”.
Ông Trần Văn Phiệt – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Sự phát triển của HTX có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng các HTX trở thành “hạt nhân” để tập hợp các hộ nông dân cùng nhau liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã