Nghề hái rau rừng ở đây bắt đầu “phất” lên từ khi du lịch ở núi Cấm phát triển mạnh (khoảng vài ba năm nay). Nhờ khách du lịch đến nhiều, dịch vụ ăn uống nhiều lên (trong đó có món bánh xèo). Bánh xèo ăn với rau rừng đang ngày càng thu hút du khách khi đến núi Cấm.
Chị Năm Hòa, một người bán bánh xèo thâm niên ở ấp Vồ Đầu kể: “Thật ra, ban đầu chỉ có những người bán bánh xèo tự hái rau về để bán ăn kèm với bánh xèo. Rồi hàng quán cũng cạnh tranh nhau, càng có nhiều loại rau thì càng đắt khách. Mà lạ thiệt nghen, bánh xèo trên này (núi Cấm) ăn với nhiều rau mới ngon, càng nhiều càng ngon. Như chỗ tôi đây, chưa nhiều bằng mấy chỗ khác, nhưng kể sơ sơ cũng trên 20 loại rồi đấy”.
>> Chùm ảnh: Ăn bánh xèo với 30 loại rau rừng trên “nóc nhà” miền Tây
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên núi Cấm hiện có vô vàn các loại rau rừng: Đọt bứa, đọt muối, đọt dâu rừng, sung rừng, bằng lăng rừng, bơ, sộp, quỷnh, tam lan, cát lồi, chồi mòi, hồng đào, cẩm xuyên, đinh lăng; rồi nào là lá cách, lá gối, thốt lốt, kim thất; rồi nào rau ngành ngạnh, soi nháy, càng cua… đó là chưa kể hàng chục loại rau thơm và cải lá các loại. Mỗi loại mỗi vị, điều đặc biệt là loại nào cũng có vị thuốc mà theo đông y thì trị được các chứng đau, nhức, mát gan, bổ thận, nhuận trường…
“Khách ăn thấy ngon còn mua đem về nên rau rừng ở đây ngày một bán chạy. Rau rừng dạo này “có giá lắm”, hiện nay mỗi kg (khoảng 20-30 loại đọt, lá, rau rừng trộn lẫn đã nhặt rồi, chỉ có phần non) có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg”– chị Thanh, chủ quán bánh xèo Thanh Bạch ở ấp Vồ Đầu cho biết.
Có thể nói, chính món bánh xèo đã hình thành nên “đội quân” hái rau rừng chuyên nghiệp. Chưa có ai thống kê số lượng người hành nghề hái rau rừng nhưng con số này ít nhất cũng phải hàng trăm. “Đội quân” này đang ngày một đông thêm và “sống khỏe” nhờ dịch vụ bánh xèo – rau rừng ngày một hút khách.
Ông Năm Cao, ở ấp Vồ Đầu, người có trên chục năm hái rau rừng cho biết: “Nghề này già, trẻ, trai, gái ai làm cũng được, chẳng cần vốn liếng, cũng chẳng cần sức khỏe nhiều. Chỉ khó là phải thạo đường rừng, biết cây nào, lá gì ở đâu để hái cho lẹ, cho nhiều”.
Thông thường, rau rừng được người dân trên núi chỉ hái vào buổi sáng sớm và đem đi bán trước khi trời nắng gắt.
“Rau rừng, đọt rừng có thể nói là rau siêu sạch vì không dính đến bất cứ loại phân hóa học nào, lại còn có vị thuốc nên thực khách ngày một ưa chuộng. Rau rừng ở đây thì vô biên nên người hái rau rừng cũng ngày một đông. Mà rau rừng, đọt rừng càng hái thì đọt non, lá non nó ra càng dữ nên không sợ cạn nguồn. Cũng mừng cho dân núi Cấm, nhờ vậy mà có nguồn thu nhập ổn định” – ông Phạm Việt Tân, Trưởng ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên hồ hởi nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã