Từ nuôi trong ruộng…
Huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) có diện tích lớn nuôi cá ruộng mùa lũ, tập trung nhiều ở các xã Thới Hưng, Đông Thắng, Đông Hiệp. Riêng xã Thới Hưng có 1.500 hộ nuôi cá ruộng. Ông Lê Văn Trực, ấp 1, xã Thới Hưng cho biết, sau khi làm xong vụ lúa thu đông trên 6 công ruộng, tôi tiếp tục thả cá nuôi nhằm tận dụng nguồn nước. Đến nay, lũ về cũng hơn 3 tháng, đàn cá trên ruộng đang phát triển tốt. Ước tính vụ cá ruộng năm nay, lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng. Theo ông, điểm chính của mô hình nuôi cá ruộng là không sử dụng thuốc trừ sâu rầy cũng như các loại hóa chất khác khi làm lúa. Tuy nhiên, cần đảm bảo nguồn nước trong ruộng sạch, đồng thời, có lưới bao xung quanh để tránh hao hụt. Nuôi cá trong ruộng lúa vào mùa lũ, ngoài việc kiếm thêm thu nhập, còn nhờ cá diệt được mầm mống sâu bệnh và để lại phân, phù sa trên đồng có lợi cho vụ sau.
Sau khi kết thúc vụ lúa thu đông, anh Nguyễn Thanh Long (ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) đã khép kín 1,3 ha đê bao để thả cá. Trên mặt đê, anh còn trồng kết hợp thêm dưa leo, khổ qua. Theo anh Long, nuôi cá trên ruộng lúa vào mùa lũ không tốn thức ăn. Cá chép sẽ ăn lúa còn sót lại hoặc trùn nước, cá mè ăn rong rêu, cá lóc săn các loại cá nhỏ như lòng tong, cá linh… Nhờ vậy mà anh giảm được chi phí, mỗi vụ thu lời 15 - 20 triệu đồng.
Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết, mùa lũ năm nay, diện tích mặt ruộng thả nuôi của toàn huyện đạt gần 5.000 ha. Mô hình đem lại lợi nhuận không thua gì trồng lúa. Cái đáng nói là chỉ cần đầu tư con giống ban đầu, không tốn nhiều công chăm sóc và tiền thức ăn mà cá vẫn lớn.
… đến nuôi trong vèo
Nuôi ở dạng này phổ biến nhất là các loại cá lóc, cá trê, cá thát lát và ếch Thái Lan. Mùa lũ năm nay tận dụng nguồn thức ăn cua, tép, cá, ốc… trong tự thiên, anh Nguyễn Văn Hiền (ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) đầu tư 1 triệu đồng mua 2.000 con cá lóc giống đem về nuôi trong vèo lưới ngang (2x4)m dưới dòng kênh Bà Đầm. Anh cho biết: “đến nay đàn cá đã được 3 tháng tuổi, cá phát triển mạnh, ăn khỏe. Dự kiến cho thu hoạch trên 1,2 tấn cá. Nếu bán với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg, lời 7 - 8 triệu đồng, còn giá cao hơn tôi kiếm được cũng chục triệu đồng”.
Nuôi cá lóc trong vèo xã Trường Xuân, huyện Thới Lai - Ảnh: Bảo Yến
Anh Hiền chia sẻ, kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo rất đơn giản, nhưng cần chú ý chọn mua con giống tốt và môi trường nước sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu hay nước bẩn của phân gia súc, nguồn thức ăn cho cá phải tươi sống… để đảm bảo cá phát triển mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp.
Còn anh Trần Thanh Dũng, ở cùng ấp nuôi 4 vèo cá thát lát và 2 vèo ếch Thái Lan khoảng 1.000 con, cho thu hoạch trong dịp Tết này. Theo anh, nuôi cá trong những tháng mùa lũ rất khỏe, không cần nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mà đa phần tận dụng việc kiếm nguồn cá mồi trong nước lũ cho cá nuôi. Vì vậy, năm nào gia đình cũng thu lãi trên 20 triệu đồng.
>> Nuôi cá trong ruộng mùa lũ tuy đơn giản và dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên kiểm tra cống, bọng, lưới bao xung quanh ruộng để hạn chế sinh vật ăn cá vào ruộng. Đồng thời, đảm bảo cho cá không bị thất thoát. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã