Học tập đạo đức HCM

Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi

Thứ năm - 02/11/2017 22:15
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Lương Nghĩa là một xã vùng sâu của huyện Long Mỹ, diện tích đất tự nhiên trên 3.000ha. Trong đó, đất sử dụng sản xuất nông nghiệp chiếm trên 87% (đất trồng lúa khoảng trên 2.000ha và khoảng 128ha nuôi các loại thủy sản). Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa, nhưng đất đai không màu mỡ, nhất là khu vực ngoài đê bao khép kín. Do tình hình xâm nhập mặn diễn biến bất thường trong vài năm trở lại đây, một số hộ ở vùng ven đê bao đã mạnh dạn chuyển đổi canh tác lúa 2 vụ sang nuôi thủy sản và trồng một vụ lúa. Trong đó tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng là những loại thủy sản được nhiều người hướng đến.

Anh Lê Hoàng Nghĩa, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, cho biết: “Gia đình tôi mới bắt đầu nuôi quảng canh tôm càng xanh với diện tích khoảng 2,5ha. Vụ trước làm lúa chỉ đạt 700kg/công, khi nuôi tôm nếu thuận thì lợi nhuận cao hơn nhiều. Trước khi nuôi, tôi cũng chưa được học hỏi bài bản, chỉ được hướng dẫn từ người đi trước rồi về làm thử. Bước đầu thấy mô hình này có hiệu quả, tôi rất mong muốn có điều kiện học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, cách nuôi và chăm sóc để giảm bớt rủi ro”.

Qua điều tra, khảo sát của UBND huyện Long Mỹ về tổng diện tích xuống giống tôm trên địa bàn xã Lương Nghĩa năm 2017 là 69,18ha/51 hộ. Trong đó có 4 mô hình (4 hộ/10ha) của Tập đoàn Việt - Úc hỗ trợ 100% con giống tôm thẻ chân trắng, mật độ thả nuôi 5 con/m2 và 6 dự án của Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, tổng diện tích 6ha/6 hộ, thả giống tôm sú. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ luôn phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, kiểm tra việc thực hiện mô hình tôm - lúa trên địa bàn xã Lương Nghĩa. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về kỹ thuật trong các lớp tập huấn, con giống, vật tư của Tập đoàn Việt - Úc đã giúp bà con nơi đây có thêm kiến thức trong quá trình canh tác thủy sản nước lợ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ. 

Ngoài mô hình nuôi thủy sản, người dân địa phương còn duy trì đàn trâu với số lượng vừa phải, tận dụng các phụ phẩm sẵn có trong nông nghiệp để nuôi, phát triển kinh tế hộ. Đến nay, tổng đàn trâu trên địa bàn xã Lương Nghĩa có 376 con, trong đó hộ ông Nguyễn Hồng Ngự, ở ấp 6 nuôi với số lượng 120 con. Ông Ngự chia sẻ: “Tôi cần nhất là sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi một cách khoa học và tiêm ngừa bệnh lở mồm long móng từ ngành chuyên môn. Do đây là địa bàn giáp ranh các tỉnh bạn nên tôi rất quan tâm tình hình dịch bệnh để kịp thời đề phòng. Bởi số lượng nuôi hiện nay khá nhiều, tổng đàn trâu của gia đình trị giá trên 3 tỉ đồng”.

Đối với mô hình trồng mãng cầu xiêm cũng đang phát triển mạnh ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp trong thời gian gần đây. Hiện diện tích trồng mãng cầu toàn xã này có khoảng 160ha với trên 230 hộ, trong đó có khoảng 76ha đang cho trái, còn lại 84ha đang phát triển tốt. Chính quyền địa phương thông tin đã thành lập Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ với 90 thành viên. Bên cạnh đó, nông dân trên địa bàn xã này còn có mô hình nuôi vịt trời, hay mô hình trồng sen nuôi cá đem lại nguồn thu khá cho nông dân trong mùa lũ. Anh Trần Văn Ngon, ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Nước nổi, tôi không gieo sạ 5 công đất sau nhà mà tận dụng đất để trồng sen lấy gương bán rồi nuôi cá phía dưới. Tuy chưa thể làm giàu, nhưng nguồn thu từ việc bán sen, bán cá mỗi ngày giúp cuộc sống gia đình tôi đỡ chật vật”.

Ông Lê Hoàng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: “Mô hình trồng sen nuôi cá tập trung ở các ấp 3, 5, 6 và ấp Mỹ Phú. Ban đầu do bà con tự phát, nhưng về sau cho thấy hiệu quả kinh tế khá trong mùa nước nổi và có thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa vụ 3. Vì thế, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi lúa vụ 3 sang trồng sen nuôi cá, đối tượng nuôi chủ yếu là cá chép, cá mè, rô phi… Thời điểm khoảng tháng 10, sau khi thu hoạch cá là người dân bắt tay vào chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân. 

Trong chuyến khảo sát các mô hình sản xuất ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh cho rằng cần tiếp tục duy trì các mô hình đang giúp nông dân phát triển kinh tế như: nuôi quảng canh tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm sú, nuôi vịt trời, trồng mãng cầu xiêm... Tuy nhiên, cần định hướng kỹ và có những khuyến cáo dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Không cầu toàn, không triển khai ồ ạt các mô hình mà phải thực hiện có hiệu quả cao nhất trên từng mô hình để đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao cuộc sống, thu nhập cho người dân.

Để làm được điều này, Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị UBND huyện Long Mỹ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp, thành lập ngay phòng thí nghiệm tại xã Lương Nghĩa để nghiên cứu khoa học về đất, nước, điều kiện sinh tồn các loài thủy sản tại địa phương, nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại cho người dân trong quá trình canh tác. Cán bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh phối hợp trao đổi với các viện, trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi quảng canh tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng; mô hình kết hợp lúa - tôm, lúa - cá thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng mô hình nuôi trâu nên tiếp tục duy trì, nhưng ngành chuyên môn cần nghiên cứu kỹ về quy mô, định hướng phát triển cho phù hợp. Đối với xã Hòa Mỹ, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình chuyển đổi phải gắn với quy hoạch cụ thể để khai thác tiềm năng trên từng vùng đất. Bên cạnh đó cần có tính toán khoa học vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. 

Có thể thấy, ngày nay nông dân đã không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu” mà minh chứng qua hiệu quả kinh tế bước đầu từ những mô hình chuyển đổi. Cùng với đó là sự quan tâm hỗ trợ và quy hoạch đúng đắn của tỉnh, sự vào cuộc triển khai các mô hình canh tác. Nhất là các giải pháp về khoa học kỹ thuật được hỗ trợ kịp thời sẽ là động lực thúc đẩy đời sống của người dân ở những địa bàn khó khăn vươn lên phát triển.

Theo Báo Hậu Giang

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm224
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại822,165
  • Tổng lượt truy cập90,885,558
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây