Nghề nuôi ong ở xã ban đầu chỉ là những hộ nhỏ lẻ nuôi theo phương pháp truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Qua quá trình phát triển, đến nay, toàn xã có gần 30 hộ nuôi ong với 2.580 đàn. Người nuôi ong đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ ong được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhờ đó chất lượng ngày càng được nâng lên, khẳng định được thương hiệu, uy tín, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Phong trào nuôi ong đã phát triển rộng khắp tại địa bàn xã. Một số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn như ông Lê Đình Khuê (xóm Lam Sơn) 200 đàn, Nguyễn Văn Rõ (xóm Lam Sơn) 150 đàn…
Mô hình nuôi ong lấy mật đem lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Rõ (bên trái) thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Đến thăm gia đình ông Lê Đình Khuê (xóm Lam Sơn) với hơn 10 năm gắn bó với nghề, hiện nay, ông có trên 200 đàn ong, ước tính mỗi vụ thu được 2 tấn mật được các thương lái ở nhiều tỉnh lân cận về thu mua. ông Khuê cho biết: "Nhờ cải tiến phương thức nuôi ong, áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến tiêu chí sản phẩm sạch nên chất lượng mật ong luôn được người dân ưa chuộng, thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy. Với giá bán 180.000 - 200.000 đồng/chai, sau khi chi phí, sản phẩm mật ong đem lại cho gia đình tôi thu nhập 150-200 triệu đồng/năm”.
Với ưu điểm vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, đem lại thu nhập cao, do đó không ít người đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi không hiệu quả để nuôi ong. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả, năng suất và chất lượng mật ong cao đòi hỏi nhiều kỹ thuật và tính cần mẫn. Ông Nguyễn Văn Rõ (xóm Lam Sơn), chủ 150 đàn ong cho biết: "Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và giống ong những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho mật nhiều nhất. Nguồn mật hoa cho ong phải là hoa nhãn, hoa táo…như vậy sẽ cho chất lượng mật tốt nhất. Ong sống trong quần thể lớn nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao, do đó, việc phòng, chống bệnh cho ong, dập bệnh ngay tại thời điểm phát hiện cũng được đặt lên hàng đầu”.
Cứ đến mùa hoa nở, các hộ nuôi ong vận chuyển đàn ong đến Hưng Yên để lấy mật nhãn, đến Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) để lấy mật hoa táo. Sản phẩm mật ong của xã bán ra thị trường được ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả phù hợp lại đảm bảo vệ sinh. Không chỉ tiêu thụ ở xã, mật ong xã Lâm Sơn còn đến được với nhiều tỉnh, thành trong nước. Các sản phẩm khác từ ong như sữa ong chúa, phấn hoa….đều được ưa chuộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong. Tuy nhiên, sản phẩm từ ong được làm ra và bán trên thị trường chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, không có sự thống nhất giá cả giữa các hộ nuôi ong dẫn đến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng mật ong. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cần được các ngành chức năng quan tâm hơn nữa để mật ong xã Lâm Sơn ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và không ngừng vươn xa.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã